MacBook 12 inch thể hiện chất ngông của Apple

Apple bắt người dùng phải đi theo những tiêu chuẩn mới mà hãng đặt ra, như chỉ dùng một cổng kết nối duy nhất trên máy tính.

Apple từng gây sửng sốt cho giới công nghệ khi lần đầu tiên ra mắt MacBook Air thiết kế mới vào năm 2010 với kiểu dáng siêu mỏng nhẹ, hiệu suất hoạt động tốt và tuổi thọ pin đáng nể. Hãng hôm nay lặp lại được cảm giác này với mẫu MacBook 12 inch hoàn toàn mới. Sản phẩm không những mỏng nhẹ hơn mà còn trang bị cả độ phân giải màn hình siêu cao chuẩn Retina trong khi pin vẫn giữ được mức sử dụng "cả ngày". 

Tuy nhiên, trang công nghệ The Verge lại cho rằng sản phẩm này có lẽ dành cho tương lai thay vì hiện tại. Sau những lời khen không ngớt về thiết kế bên ngoài, các chuyên gia bắt đầu mổ xẻ những chi tiết phần cứng. Trong đó, gây tranh cãi nhất là máy chỉ có duy nhất một cổng USB-C. Với trang bị này, MacBook 12 inch trở thành một thiết bị di động đúng nghĩa giống như các mẫu điện thoại với chỉ một cổng sạc kiêm trao đổi dữ liệu và một cổng cắm tai nghe 3,5 mm. 

Sạc pin, sao chép dữ liệu, kết nối ngoại vi, tất cả chỉ thông qua USB-C. 

Triết lý của Apple có thể là tương lai của máy tính khi người dùng sẽ sử dụng phần lớn bằng kết nối không dây.  Việc tối giản cổng kết nối giúp máy mỏng nhẹ hơn, giảm sự phức tạp trong cách sử dụng. Nhưng hiện tại, khách hàng đòi hỏi nhiều hơn thế. Họ muốn vừa sạc pin, vừa kết nối bộ nhớ ngoài, đầu đọc thẻ SD hay trình chiếu lên màn hình. Để khắc được điều này, người dùng phải mua cổng chuyển với giá hàng chục USD, phục vụ cho những nhu cầu vốn là đương nhiên với máy tính xách tay. Chưa kể việc mang theo nhiều cổng chuyển đổi cũng khá bất tiện. 

Không giống như các tiêu chuẩn kết nối khác, USB Type-C (Apple gọi là USB-C) nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người tiêu dùng bởi thiết kế nhỏ và có thể cắm theo cả hai chiều giống như Lightning của Apple. Tuy nhiên, việc "liều lĩnh" chỉ trang bị duy nhất một cổng và lại là chuẩn rất mới như trên MacBook thì có lẽ chỉ Apple dám làm. 

Trong quá khứ, Apple cũng từng bỏ qua các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp hiện thời để tự mình mở lối đi riêng. Năm 1998, hãng gây sốc khi bỏ ổ đĩa mềm và cổng Serial trên iMac G3 và thay bằng ổ CD-ROM cùng hai cổng USB. Trong năm 2008, hãng cũng loại bỏ Firewire, một chuẩn mà hãng tạo ra và mới đây nhất là ổ đĩa quang cũng không còn hiện diện trên các dòng máy Mac. 

Để "kéo" màn hình Retina, MacBook cần có một hiệu năng phần cứng tốt. 

Vấn đề gây lo ngại tiếp theo trên MacBook mới là phần cứng. Giống như nhiều mẫu ultrabook hiện nay, máy trang bị chip Core M, yếu tố cốt lõi khiến nhà sản xuất có thể làm mỏng sản phẩm do không cần sử dụng quạt tản nhiệt. Tuy nhiên, hiệu năng của dòng chip này khá khiêm tốn, thậm chí không bằng dòng Core i thế hệ 4 điện áp thấp. Trong khi đó, hệ thống bao gồm chip Core M và chip đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 5300 lại phải kéo theo một màn hình siêu nét trên MacBook 12 inch là 2.304 x 1.440 pixel. 

Gần đây nhất có thể kể đến Lenovo Yoga 3 Pro cũng sử dụng dòng chip Core M cho thiết kế siêu mỏng. Theo đánh giá của The Verge, máy hoạt động không thực sự mượt mà ngay cả khi chỉ lướt web. Tuổi thọ pin cũng kém hơn hẳn so với thế hệ trước. Tuy nhiên, hệ điều hành OS X thường ưu thế hơn Windows về độ mượt mà và thời lượng sử dụng pin nên vẫn có lý do để người dùng tin vào hiệu năng hoạt động ổn định của MacBook. 

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều