Hiện tượng lạ trước lễ ra mắt iPhone

Một thế hệ iPhone nữa lại ra đời nhưng lần này, trong con mắt của nhiều người, sản phẩm mới của Apple không ẩn chứa điều kỳ diệu nữa.

Một hiện tượng lạ đã diễn ra trước sự kiện công nghệ được chờ đón nhất thế giới: Cổ phiếu Apple giảm tới 6,2% trong 30 ngày qua. Điều này được coi là bất thường bởi cổ phiếu hãng này luôn tăng trung bình gần 5% trong vòng một tháng trước bất kỳ lễ công bố iPhone nào trong 8 năm qua.

Lần duy nhất cổ phiếu Apple giảm chính là tháng trước khi hãng này trình làng chiếc iPhone đầu tiên trong lịch sử hồi tháng 1/2007. Lúc đó, thông tin Apple gia nhập thị trường điện thoại gây nhiều hoài nghi, khiến cổ phiếu của họ sụt 3,2% trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,2%.

Cổ phiếu Apple (màu xanh) luôn tăng trước lễ ra mắt iPhone, trừ sự kiện iPhone đầu tiên năm 2007 và iPhone 6s năm nay khiến giới phân tích lo ngại đây giống như hai "chốt chặn" cho vòng đời của iPhone.

Theo Trefis, các nhà đầu tư đang kỳ vọng Apple sẽ vẫn tạo được sự phấn khích cho người tiêu dùng với dòng iPhone vốn đang trải qua gần chục năm tồn tại (trong lịch sử di động chưa từng có mẫu điện thoại nào được duy trì tới 9 thế hệ như iPhone). Chiếc điện thoại đình đám của Apple đang chiếm 74% lợi nhuận của hãng.

Từ khi iPhone ra mắt, cổ phiếu Apple luôn tăng trước lễ công bố iPhone thế hệ mới bất chấp vào thời điểm đó, thị trường chứng khoán đang biến động như thế nào. Chẳng hạn, trước sự kiện iPhone 4S năm 2011, chỉ số S&P 500 giảm 6,4% nhưng cổ phiếu Apple vẫn nhích lên được 0,1%. Thậm chí, cổ phiếu hãng này còn tăng vọt lên 8,5% trong 30 ngày trước lễ ra mắt iPhone 4 năm 2010 dù thị trường chứng khoán Mỹ giảm 4,1% cùng kỳ.

Có vẻ năm nay, giới công nghệ và các nhà đầu tư không còn ấn tượng với chiếc iPhone mới - dự kiến có kiểu dáng giống iPhone 6 và không mang trong mình quá nhiều đột phá.

Trong khi đó, trang công nghệ Cnet cho rằng đây là tình trạng chung của cả lĩnh vực di động: smartphone không còn khiến mọi người phấn khích nữa. Sau nhiều năm chinh phục thị trường, smartphone hiện nay trở nên quá phổ biến trong khi sự chênh lệch giữa các đời điện thoại (năm sau so với năm trước) không còn quá lớn.

iPhone 6s có thể sẽ là ví dụ điển hình về sự nhàm chán đang lan tỏa trong lĩnh vực smartphone. Ảnh: The Verge.

Các nhà sản xuất smartphone từng khiến người hâm mộ hồi hộp, mong ngóng sản phẩm ra đời với những công nghệ mới như một thiết kế đẹp mắt, màn hình siêu nét, camera từ 5 "chấm" lên 8 "chấm" hay ứng dụng tương tác giọng nói, cảm biến đọc vân tay...

Còn hiện nay, một chiếc điện thoại được trang bị màn hình có mật độ điểm ảnh cao kỷ lục cũng chẳng khiến họ phải phát cuồng (như khi Sony tung ra chiếc Z5 Premium màn hình 4K tuần trước). Galaxy S6 edge hay Galaxy Note 5 là những điện thoại đẹp nhất trong lịch sử Samsung với chất liệu kim loại và kính cao cấp nhưng không còn làm cho người dùng cảm thấy háo hức như thời Galaxy S3. HTC sở hữu smartphone thiết kế đẹp nhưng vẫn loay hoay không thể làm mới mình khiến người hâm mộ cảm thấy nhàm chán.

iPhone 6 và iPhone 6 Plus đã đủ đáp ứng nhu cầu của đa số, vậy sao phải cập nhật lên iPhone 6s và 6s Plus với ngoại hình giữ nguyên, chỉ được nâng cấp về cấu hình và cũng chẳng có nhiều đột phá?

Điều đó không có nghĩa Apple không tiếp tục bán được hàng chục triệu iPhone. iPhone sẽ vẫn là con gà đẻ trứng vàng của hãng này. Nhưng cảm giác nhàm chán dường như đang lan tỏa khắp làng di động. Các nhà đầu tư không mặn mà, còn các nhà phân tích hoài nghi Apple có thể làm nên một kỳ tích mới về doanh số iPhone.

 

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều