'Ảnh trừu tượng macro là một quá trình sáng tạo rất khác biệt và tự do'

'Ảnh trừu tượng macro là một quá trình sáng tạo rất khác biệt và tự do'

Nhiếp ảnh gia Nicholas Alan Cope chuyên chụp quảng cáo chia sẻ về những bức ảnh trừu tượng.

Nhiếp ảnh gia Nicholas Alan Cope chuyên chụp quảng cáo các nhãn hàng xa xỉ như nước hoa, đồ trang sức trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí nhiếp ảnh Pop Photo đã chia sẻ quá trình sáng tạo những bức ảnh trừu tượng của mình từ việc kết hợp những thứ tưởng chừng rất đơn giản.

Dưới đây là tâm sự của nhiếp ảnh gia này.

Ảnh chụp

Ảnh chụp màu, nước và mực. Thiết bị: Canon 5D Mark II, ống kính macro 100mm f/2.8 IS. Thông số ảnh: 1/125 giây, f/8 - f/13, ISO 80-100.

"Chụp ảnh trừu tượng là phong cách hoàn toàn khác với công việc thường ngày của tôi. Bình thường tôi hay chụp các sản phẩm xa xỉ như nước hoa, mỹ phẩm hay các tấm thiệp nghệ thuật với bố cục do tôi tự thiết kế… Về cơ bản, chúng là tĩnh vật mà để làm nổi bật, đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư về sắp xếp, ánh sáng… Làm nhiều quá nên tôi nghĩ mình cũng cần những khoảng nghỉ. Tôi muốn thử những thứ phiêu diêu hơn, những bức ảnh thể hiện những đối tượng khó định hình được. Đối với tôi, đó là một cách để mình thoát khỏi những công việc chỉ có sắp xếp đường nét và cấu trúc thường ngày.

Ảnh trừu tượng thường rất phóng khoáng. Nó hoàn toàn không phải những gì tôi có thể tạo ra được, sắp xếp được mà là những gì nguyên gốc, nguyên bản, chỉ là khi được nhìn ở góc độ macro lại trở nên rất thú vị. Đó là một quá trình sáng tạo rất khác biệt và rất tự do.

Các bức ảnh trừu tượng tôi chụp chủ yếu từ hai đối tượng: Một là các loại mỹ phẩm như thuốc đánh móng tay, son môi và thuốc kẻ mắt; thứ nữa là các thứ thông thường luôn có trong nhà như nước, sơn và mực. Tôi chỉ chụp chúng theo cách mà người xem không thể đoán được chúng là gì. Bạn sẽ thấy rất nhiều bức trông như ảnh chụp vũ trụ, đó thực tế là những bài thực hành với trò chơi phi cấu trúc. Tôi nhặt bất cứ thứ gì tình cờ có trong studio của tôi và bắt đầu trò chơi với tỷ lệ, chuyển động, tương phản và các hiệu ứng hình ảnh khác, chụp cho đến khi ra được một bức ưng ý. Tôi tự thấy mình như đang tìm kiếm những thứ trừu tượng vô hình trong những đồ vật thật giản đơn.

Đối tượng để chụp của tôi vô cùng đơn giản. Tôi đến các cửa hàng bán đồ, mua một số thứ như mực, sơn, dung môi. Tôi mang nó về studio, thử trộn lẫn, hay sắp xếp để xem cái gì sẽ xảy ra. Nó là cả một quả trình thử và thử. Ví như tôi có 2 loại thuốc kẻ mắt trông tương tự nhau, chụp cùng những điều kiện như nhau, nhưng khi bắt đầu thử nghiệm thì mỗi loại thuốc lại cho ra các bức ảnh khác nhau. Tôi cứ thể thử vòng quanh cho đến khi ra được bức ảnh mình thấy ưng ý. Tôi gọi đây là một cách thức tiếp cận phi truyền thống và mới mẻ đối với nhiếp ảnh macro. Bạn không thể nói rằng đây là những ảnh chụp mỹ phẩm được.

Ảnh chụp bề mặt của thỏi son sau khi bị bẻ đôi.

Ảnh chụp bề mặt của thỏi son sau khi bị bẻ đôi.

Tạo hình các thứ được chụp rất thú vị. Trong một số trường hợp, tôi tạo những hình ảnh đầu tiên của một mảng màu hay một kết cấu, và rồi tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo. Cứ thế, tôi tạo ra các kết cấu mới, màu mới, cách nhìn mới bằng cách thêm vào các yếu tố mới, trộn chúng lại nhau cho tới khi tự mình thấy thỏa mãn với kết quả đạt được.

Đối với mỹ phẩm, tôi có thể lấy bút kẻ mắt hoặc son môi vẽ, bôi hoặc mài lên một khay nhựa đen. Rồi tôi thêm một vài lớp mỏng khác như nước hoặc xoa nhẹ cồn lên trên và xem điều gì xảy ra. Tôi nghiêng khay cho nước chảy để tạo thêm các đường nét và các chuyển động. Mỗi lần thử lại một cách khác, đôi lúc nhìn tác phẩm cuối tôi cũng không thể nhớ mình thực chất đã làm những gì.

Có những ảnh tôi chụp ra ngay, nhưng có những bức cũng mất hàng giờ và cũng có khi không ra kết quả gì. Chẳng hạn, năm ngoái, tôi chụp 1.500 ảnh trong một tuần mới xong.

Ánh sáng trong các bức ảnh trừu tượng khoáng đạt hơn rất nhiều so với chụp ảnh sản phẩm thông thường. Trong các tác phẩm thương mại, ánh sáng là phần khó khăn nhất. Để làm nổi bật sản phẩm, ánh sáng phải trong, nhẹ và gây được cảm xúc nhất định. Nhưng với ảnh trừu tượng, tôi không bị quá nhiều áp lực như vậy. Bản thân các đường nét, bố cục của đối tượng, hình dạng linh động của nó lại đóng vai trò quan trọng. Bản thân những thứ này đã có thể truyền tải một thông điệp nào đó chỉ với các nguồn sáng rất đơn giản.

Bột phấn mắt.

Bột phấn mắt.

Khi chụp, tôi thường chỉ chụp thẳng xuống. Một số được chiếu qua một lớp vải mỏng, một số khác tôi hắt ánh sáng lên một tấm chắn sáng lớn phía trên. Tôi thường để phòng tối để hạn chế tối đa phản sáng.

Tôi thực sự không có ý tưởng là trông nó sẽ như thế nào khi in màu hay đen trắng. Tôi không phải là người quá quan trọng chuyện này. Thường tôi sẽ xem xét hình ảnh trên máy tính và quyết định màu sẽ hơn hay đen trắng sẽ hơn. Nếu cần thiết tôi in ra, nếu tôi không thích bức ảnh màu này, tôi quay lại và in thử bằng đen trắng xem cái nào tốt hơn.

Về xử lý hậu kỳ, tôi chỉ chỉnh một chút phơi sáng và màu sắc, một chút tẩy nhỏ do thi thoảng có những bọt khí không mong muốn có thể gây mất tập trung. Với ảnh sản phẩm thông thường tôi cũng chỉnh sửa khá nhiều, nhưng với thể loại trừu tượng này thì khác".

Nguyễn Hà
Ảnh: Nicholas Alan Cope / Popphoto

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều