Lựa chọn TV Plasma, LCD và LED
Ở thời kỳ đầu của TV phẳng màn ảnh rộng, công nghệ Plasma chiếm ưu thế nhờ chất lượng màu sắc tốt. Về sau, TV LCD (Liquid Crystal Display - màn hình tinh thể lỏng) có kiểu dáng thời trang, giá hấp dẫn đã dần chiếm thị phần của Plasma. Trong một thời gian dài, 2 dòng sản phẩm này có những khách hàng riêng, tùy theo nhu cầu sử dụng. Vài năm gần đây sự xuất hiện của loại TV đèn hình LED đã thể hiện sự ưu việt ở cả hình ảnh, thiết kế và khả năng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, do giá còn đắt nên TV LED chưa thực sự chiếm ưu thế.
Phân biệt công nghệ Plasma, LCD và LED
3 công nghệ TV khác hẳn nhau ở cách chúng phát sáng màn hình. Ở TV Plasma, các phân tử phốt-pho tạo ra hình ảnh trên màn hình có thể tự phát sáng và không cần đèn phía sau. Còn TV dạng LCD, màn hình tinh thể lỏng không thể phát sáng nên cần phải có một nguồn ánh sáng riêng biệt phía sau. Đây cũng chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa TV LCD thông thường (sử dụng bóng đèn huỳnh quang CCFL) và LCD LED (diode phát sáng).
Do sử dụng nguồn ánh sáng tiên tiến hơn nên TV LED hơn hẳn LCD ở kiểu dáng siêu mỏng, dải màu rộng hơn, màu sắc trung thực, độ tương phản và độ sáng cao hơn 40%, chạy mát và tiêu thụ ít điện năng. Ngoài ra, tốc độ quét hình của các dòng LED hiện nay từ 120 Hz đến 240 Hz (hơn hẳn LCD là 50 và 100 Hz) giúp giảm rõ rệt hiện tượng vệt chuyển động thường xuất hiện trên các màn LCD.
Tuy nhiên, giá TV LED lại là loại đắt nhất, thường cao hơn vài triệu đồng so với TV LCD cùng kích cỡ. Plasma là loại HDTV có giá thành hấp dẫn nhất nhưng chúng thường có kiểu dáng dày, hoạt động nóng và ngốn điện hơn hẳn. Đơn cử, giá TV Plasma 43 inch của Samsung ở Việt Nam vào khoảng 10 triệu đồng, còn loại sử dụng công nghệ LCD và LED cùng kích cỡ lần lượt là 13,5 và 19 triệu đồng.
TV sử dụng đèn phát sáng dạng LED có nhiều ưu điểm hơn LCD thông thường nhưng giá cũng đắt hơn. Ảnh: LG. |
Chất lượng hình ảnh
Với công nghệ Plasma, mỗi điểm ảnh bao gồm các màu cơ bản đỏ, lục, lam kết hợp với nhau để hiển thị hàng tỷ màu sắc giúp hình ảnh chính xác hơn so với LCD hay LED. Ngoài ra, TV Plasma chiếm ưu thế ở độ tương phản siêu cao, cho màu đen đạt gần mức hoàn hảo cùng độ quét hình lên đến 600 Hz giúp người xem cảm nhận tốt hơn trong các cảnh chuyển động nhanh.
TV LED hiện nay cũng cho độ tương phản cao gần bằng Plasma cùng các dải màu sống động hơn hẳn LCD.
TV Plasma có nhược điểm là thường xảy ra hiện tượng cháy hình "burn-in". Khi người dùng để TV hiển thị một hình tĩnh trong 30 phút, ảnh này sẽ lưu lại ở dạng vệt mờ trên TV sau đó vài ngày hoặc có khi cả tháng. Hiện tượng này xuất hiện vì phốt-pho ở trong màn hình bị đốt nóng trong khoảng thời gian dài dẫn đến mất khả năng phát sáng, tạo ra vệt mờ.
TV Plasma cho hình ảnh trung thực, phù hợp xem những cảnh chuyển động nhanh. Tuy nhiên, chúng hay bị hiện tượng cháy hình tạo thành vệt mờ trên màn hình. Ảnh: LG. |
Góc nhìn
Góc nhìn trên một TV thể hiện khả năng hiển thị hình ảnh chi tiết ở bất cứ góc nào, Ở đặc điểm này, Plasma dẫn đầu khi hình ảnh không hề biến đổi ở góc nhìn lên đến 180 độ. Với TV LCD, màu sắc và chi tiết vật thể không còn nguyên vẹn khi nhìn lệch. TV LED ra đời sau đã khắc phục một phần nào nhược điểm trên và có góc nhìn cao hơn LCD xong vẫn chỉ dừng ở 170 độ và vẫn không bằng Plasma.
Kích cỡ và tiêu thụ điện năng
Thiết kế siêu mỏng không phải là một đặc điểm quan trọng để đánh giá HDTV, nhưng nó tạo nên ấn tượng tốt ngay cái nhìn đầu tiên. Ngoài ra, TV mỏng manh sẽ giúp dễ dàng gắn lên tường và trang trí trong phòng. Ở khoản này TV LED dường như không có đối thủ khi có những model mỏng chỉ ngang với laptop 22 mm.
Về khoản tiết kiệm điện năng, TV LED tiếp tục dẫn đầu khi chỉ tiêu thụ dưới 100 W hoặc thấp hơn trong khi TV Plasma ngốn gấp 2 hoặc 3 lần.
TV LCD và LED tiết kiệm điện hơn Plasma. Ảnh: Panasonic. |
Tuổi thọ
TV LED mới xuất hiện và được cho là có tuổi thọ cao nhất trong cả 3 dòng sản phẩm trên. Tiếp đến là LCD và Plasma.
Chọn TV Plasma, LCD hay LED
Nếu người dùng muốn một sản phẩm giá hấp dẫn, màu sắc trung thực, thường xuyên xem phim hành động và không quá chú trọng vào kiểu dáng có thể chọn Plasma. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc đến hiện tượng cháy hình, lượng điện năng tiêu thụ và hơi nóng mà chúng tỏa ra.
Còn khi có nhu cầu TV kiểu dáng thời trang, siêu mỏng, cho hình ảnh đẹp, có thể làm vật trang trí trong phòng khách và tiêu tốn ít điện năng, người dùng nên nhắm đến TV LCD hoặc LED.
Thế Mạnh