Lỗi Windows không khởi động
Nhiều bạn cần
Ngoài những nguyên nhân đã được chuyên mục Nhiều bạn cần chia sẻ trong bài viết “Kinh nghiệm xử lý lỗi khó xác định nguyên nhân, ID: A0601_132”, bài viết kỳ này tiếp tục đề cập đến một số nguyên nhân liên quan đến việc HĐH không thể khởi động dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi trong công tác trả lời thắc mắc bạn đọc và xử lý sự cố máy tính.
Để tiện cho việc xác định nguyên nhân chính xác và cách khắc phục tương ứng, bạn cần xét những thao tác trong phiên làm việc trước đó, chẳng hạn bạn vừa cập nhật driver hoặc nâng cấp phần cứng mới, cài đặt/gỡ cài đặt ứng dụng, do Windows Update cập nhật các bản sửa lỗi HĐH hoặc do tắt máy tính không đúng cách.
Trước tiên, hãy thử khởi động máy tính ở chế độ Safe mode. Nhấn F8 để vào giao diện tùy chọn khởi động của Windows và chọn Safe Mode. Thông thường, HĐH sẽ tự sửa chữa một số lỗi khởi động ở Safe Mode. Nếu lỗi chưa khắc phục được, hãy thử chọn chế độ Last Known Good Configuration. Tùy chọn này rất hữu ích nếu bạn thường xuyên thay đổi phần cứng và “khoái” cập nhật driver phần cứng.
Nếu khởi động thành công, hãy gỡ bỏ driver mới và khôi phục driver cũ trong Device Manager bằng cách nhấn phải chuột trên Computer chọn Manage và chọn mục Device Manager. Nhấn phải chuột trên phần cứng mới, chọn Properties. Chọn mục Roll Back Driver trong thẻ Driver để khôi phục. Nếu nguyên nhân do việc cài ứng dụng mới, bạn hãy gỡ bỏ trong Control Panel. Programs and Features, chọn tên ứng dụng trong danh sách liệt kê và chọn mục Uninstall. Nếu nguyên nhân do cập nhật các bản sửa lỗi của Windows, cũng trong Programs and Features nhấn chọn mục View Installed Updates, chọn mục Installed On để danh sách hiển thị theo thời gian cài đặt và gỡ cài đặt bản sửa lỗi mới nhất.
Ghi chú: Nếu bạn không muốn cài đặt 1 bản sửa nào đó, hãy thiết lập thuộc tính ẩn bằng cách nhấn chọn mục Select updates to install (Control Panel.System and Security.Windows Update), nhấn phải chuột trên bản sửa lỗi và chọn Hide update. Trường hợp cần khôi phục, cũng trong Windows Update, chọn Restore hidden updates.
Nếu lỗi vẫn chưa khắc phục được, hãy dùng tiện ích khôi phục hệ thống System Restore. Khởi động lại máy tính với tùy chọn Restore my computer to an earlier time. Trong cửa sổ Select a Restore Point, chọn thời điểm khôi phục gần nhất trước khi xảy ra lỗi, nhấn Next theo hướng dẫn trên màn hình. Khởi động lại máy tính và kiểm tra kết quả.
Cách khắc phục khác là sử dụng đĩa khôi phục hệ thống (System Repair Disc) trong trường hợp System Restore không thể khắc phục lỗi hoặc bạn đã tắt (disable) tiện ích này. Tham khảo cách tạo đĩa khôi phục hệ thống trong bài viết ID: A1004_115. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng tiện ích System Repair có sẵn trong đĩa cài đặt HĐH Windows. Khởi động máy tính với đĩa cài đặt, chọn mục Repair Your Computer, trong cửa sổ System Restore Options, chọn mục Startup Repair và HĐH sẽ tự động thực hiện phần việc còn lại. Bạn sẽ nhận được yêu cầu khởi động lại hệ thống khi lỗi được khắc phục. Trường hợp tắt máy không đúng cách, chọn mục Command Prompt để mở cửa sổ dòng lệnh và gõ dòng lệnh “sfc /scannow” hoặc “bootrec /fixmbr” để sửa lỗi liên quan đến Master Boot Record của ổ cứng.
Khắc phục lỗi ổ quang “biến mất” Ổ quang (CD/DVD-ROM) “biến mất” sau khi bạn gỡ cài đặt một phần mềm nào đó và khởi động lại máy tính. Kiểm tra trong Device Manage, bạn sẽ thấy dấu chấm than màu vàng xuất hiện cạnh biểu tượng ổ quang cùng thông báo lỗi “Windows cannot start this hardware device because its configuration information (in the registry) is incomplete or damaged”. Thông thường, cách khắc phục khi HĐH không thể nhận dạng chính xác thiết bị phần cứng là cập nhật trình điều khiển (driver) mới; bạn có thể tải về từ website nhà sản xuất. Tuy nhiên khác với các thiết bị phần cứng khác, ổ quang lại sử dụng driver tích hợp trong HĐH nên không thể áp dụng cách trên. |