Giải trí di động
Nhiều bạn cần
|
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng trên thực tế hầu hết dòng MTXT (trừ dòng chuyên game) được thiết kế chủ yếu cho nhu cầu học tập, làm việc. Do vậy, chúng thường có kích thước gọn nhẹ, cấu hình phần cứng phù hợp với môi trường di động. Bài viết giới thiệu những giải pháp nhằm tối ưu hiệu suất hệ thống hiện có cũng như một số lưu ý khi chọn mua MTXT cho nhu cầu giải trí di động.
Những năm gần đây, thị trường MTXT đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với máy tính để bàn. Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát nhanh trên website www.pcworld.com.vn về nhu cầu trang bị máy tính cá nhân cũng cho thấy sự “lên ngôi” của MTXT với 28,1% số lượt bạn đọc chọn giải pháp sử dụng MTXT thay máy tính để bàn trong nhu cầu học tập, làm việc lẫn giải trí. Có thể thấy ngoài việc sử dụng MTXT cho việc học tập, làm việc, nhiều bạn đọc còn dùng MTXT cho nhu cầu chơi game giải trí. Vấn đề là hầu hết dòng MTXT gọn nhẹ thường chỉ được trang bị BXL tầm trung trở xuống, khả năng xử lý đồ họa hạn chế. Bên cạnh đó, việc nâng cấp phần cứng MTXT cũng rất hạn chế do giới hạn kích thước và một phần là không có linh kiện thay thế; thường chỉ gắn thêm RAM, hoặc thay ổ cứng để mở rộng không gian lưu trữ.
HẠN CHẾ PHẦN CỨNG
Bộ xử lý (CPU)
Cấu hình phần cứng của các dòng MTXT nhỏ gọn thường chỉ trang bị bộ xử lý (BXL) 2 nhân (dual core) hoặc trong 1 vài dòng sản phẩm cao cấp sử dụng BXL 4 nhân (quad core). Về hiệu năng tổng thể BXL 4 nhân thường hơn hẳn so với BXL 2 nhân, tuy nhiên xét về khả năng xử lý trong game thì điều này không hẳn đã đúng. Chẳng hạn xét giữa BXL Intel Core i7 820QM (4 nhân) và Core i5 540M (2 nhân) thì Core i7 820QM có xung nhịp mặc định là 1,73GHz và có thể đạt mức 3,06GHz ở chế độ Turbo Boost. Trên thực tế, chỉ có 1 trong 4 nhân của BXL này chạy ở xung nhịp 3,06GHz, trong khi các nhân khác chỉ hoạt động với mức xung nhịp cao hơn bình thường một chút. BXL Core i5 540M chạy ở xung nhịp 2,53GHz và cũng có thể tăng tốc đạt mức 3,06GHz ở chế độ Turbo Boost. Thử nghiệm với một số game cho thấy hiệu suất của 2 BXL này gần tương đương, tuy nhiên bạn phải chi nhiều hơn cho BXL 820QM. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý BXL di động dùng trong MTXT thường có xung nhịp thấp hơn hẳn so với “người anh em” dùng trong máy tính để bàn.
Đồ họa (Graphic)
Đồ họa là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng xử lý hình ảnh trong game. Như đã đề cập bên trên, MTXT gọn nhẹ thường chỉ trang bị đồ họa tích hợp (integrated graphic) trong BXL hoặc chipset bo mạch chủ. Đồ họa tích hợp, phổ biến là Intel GMA 4500MHD và 5700MHD chỉ thích hợp cho công việc văn phòng và học tập. Cao cấp hơn là dòng máy tính được trang bị chip xử lý đồ họa riêng (discrete graphic), chúng cũng giống như trường hợp của BXL, nghĩa là khả năng xử lý đồ họa của chip cũng được cắt giảm so với phiên bản dùng trong máy tính để bàn để cân bằng giữa hiệu suất và khả năng di động. Chẳng hạn với chip đồ họa ATI Mobility Radeon HD 4650 có xung nhịp là 575MHz và băng thông bộ nhớ là 800MHz, thấp hơn so với phiên bản dành cho máy tính để bàn (xung nhịp GPU là 600MHz và băng thông bộ nhớ 1.000MHz).
Bộ nhớ (RAM)
Hẳn nhiều bạn đọc đều muốn chọn 1 MTXT với bộ nhớ hệ thống càng nhiều càng tốt, đặc biệt là để sử dụng với HĐH 64-bit. Tuy nhiên đối với game, 4GB bộ nhớ hệ thống sẽ là lựa chọn hợp lý. Việc bổ sung bộ nhớ nhiều hơn vẫn không làm cải thiện được hiệu suất hệ thống.
Âm thanh
Do giới hạn về không gian, các dòng MTXT nhỏ gọn cũng ảnh hưởng đến khả năng thể hiện âm thanh của loa tích hợp (gắn trong). Chúng không đủ “lực” để thể hiện tốt những hiệu ứng, âm thanh, vốn được nhà sản xuất game chăm chút không kém so với phần hình ảnh. Trong trường hợp này, 1 tai nghe (headphone) loại tốt là lựa chọn cần thiết.
Chuột
Thiết bị trỏ chuột (touchpad hoặc eraserhead) chỉ thích hợp cho việc “chỉ trỏ” trong học tập và làm việc. Chúng không đạt được độ tin cậy cần thiết cũng như khả năng dễ điều khiển khi chơi game, nhất là trong thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất (first person shooter - FPS). Tương tự phần âm thanh, 1 chú chuột laser không dây (wireless laser mouse) nhỏ gọn là lựa chọn tốt cho nhu cầu giải trí di động.
Hình 2. Tiện ích quản lý card đồ họa (thường đi kèm khi cài đặt driver) cho phép người dùng cân chỉnh giữa tốc độ xử lý và chất lượng hình ảnh. |
TĂNG TỐC PHẦN MỀM
Bên cạnh những hạn chế “cứng” của MTXT thì những giải pháp “mềm hóa” như tinh chỉnh trình điều khiển phần cứng (driver), giữ HĐH gọn gàng, khỏe mạnh hoặc gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết hoặc những ứng dụng dùng thử (crapware) giúp cải thiện đáng kể tốc độ hiển thị hình ảnh trong game.
Trình điều khiển đồ họa
Driver card đồ họa liệt kê rất nhiều tùy chọn về hình ảnh, hiệu ứng có thể gây “choáng” cả với người dùng nhiều kinh nghiệm. Tham khảo một số khái niệm cơ bản về thông số card đồ họa trong bài www.pcworld.com.vn/G0705_74, bạn đọc có thể tùy chỉnh các thiết lập theo nhu cầu cá nhân.
Với game thủ, Vsync (Vertical synchronization) là điểm quan trọng cần lưu ý. Vậy Vsync là gì và có ảnh hưởng đến tốc độ hiển thị hình ảnh trong game như thế nào? Về bản chất thì Vsync là một thuật toán giúp kiểm soát tốc độ dựng hình của card đồ họa luôn thấp hơn khả năng hiển thị của màn hình. Chẳng hạn card đồ họa có tốc độ dựng hình đạt 90fps trên màn hình có tần số quét (refresh rate) 85Hz sẽ dẫn đến hiện tượng xé hình (tearing). Hầu hết màn hình MTXT hiện nay là loại LCD có tần số quét mặc định là 60Hz. Việc bật tính năng Vsync sẽ tránh được hiện tượng tốc độ dựng hình vượt quá khả năng hiển thị của màn hình.
Một thiết lập khác cần quan tâm là texture quality (chất lượng vân bề mặt). Trên thực tế, với kích thước màn hình nhỏ gọn của MTXT, bạn đọc khó có thể nhận thấy sự khác biệt về chất lượng hình ảnh hiển thị giữa 2 tùy chọn là Performance (hiệu suất) và Quality (chất lượng hình ảnh). Như vậy, tốc độ xử lý hình ảnh có thể được nâng lên bằng cách giảm bớt thuộc tính chất lượng và hiệu ứng hình ảnh.
Loại bỏ Crapware
Crapware (shovelware hay trialware) là phần mềm dùng thử được cài sẵn trên máy tính trước khi xuất xưởng. Đa số crapware là không cần thiết nhưng chúng lại chiếm dụng dung lượng ổ cứng, làm chậm quá trình khởi động và ảnh hưởng đến hiệu suất hệ thống. Để tống khứ chúng, Revo Uninstaller Portable (find.pcworld.com/64314) hoặc PC Decrapifier 2.1 (find.pcworld.com/69411) sẽ giúp bạn làm tốt việc này.
Thiết lập trong game
Hầu hết game đều có những tùy chọn về hình ảnh, âm thanh (từ cơ bản đến chi tiết) cho phép tùy chỉnh theo cấu hình phần cứng của mỗi game thủ. Một số nguyên tắc bên dưới dựa trên việc giảm bớt những hiệu ứng hình ảnh không cần thiết để cải thiện tốc độ xử lý hình ảnh của hệ thống.
- Chọn phiên bản DirectX thấp hơn, nếu game hỗ trợ 2 phiên bản DirectX như FarCry 2 hoặc Civilization V.
- Kiểm tra từng thiết lập đồ họa chung của game như optimal, medium hoặc low để chọn được mức thiết lập phù hợp với cấu hình máy tính của bạn.
- Tắt tính năng khử răng cưa (Anti-aliasing), các chế độ đổ bóng đỉnh (vertex shader), đổ bóng điểm (pixel shader).
- Chọn khoảng cách phù hợp cho việc hiển thị hình ảnh trong một giới hạn tầm nhìn của người chơi. Thiết lập hiệu ứng hình ảnh như hiệu ứng bóng mờ, trong suốt với hình ảnh chuyển động ở mức tối thiểu.
- Bắt đầu game với độ phân giải thấp và từng bước thay đổi cho đến khi cân bằng giữa tốc độ hiển thị hình ảnh và chất lượng hình ảnh.
CHỌN “BẠN” MÀ CHƠI
Chọn game phù hợp với cấu hình phần cứng máy tính của bạn là yếu tố quan trọng không kém. Chẳng hạn một netbook không thích hợp để chơi những game bắn súng FPS, nó chỉ thích hợp với những game “bắn trứng khủng long” Dynomite Deluxe và Angry Birds hoặc cao hơn một chút là Plants vs. Zombies, Bejeweled 3 hoặc Worm World Party. Ngoài ra, bạn cũng có thể “thử sức” với những game có chất lượng đồ họa thấp như Dwarf Fortress hoặc Minecraft. Dòng MTXT gọn nhẹ, trang bị đồ họa tích hợp, danh sách game có thể “mở rộng” hơn một chút với hầu hết các game thể loại chiến thuật (strategy) và cả một game chiến thuật thời gian thực (real time strategy) hoặc FPS đòi hỏi cấu hình cao hơn như Call of Duty hoặc Team Fortress 2. Tuy nhiên bạn phải thiết lập đồ họa ở mức thấp. Với dòng MTXT trang bị card đồ họa như AMD Radeon HD3650, 46xx, 5470, 6370M hoặc NVIDIA Geforce 410M, 320M có thể đáp ứng hầu hết các game đang có mặt trên thị trường hiện nay với thiết lập đồ họa ở mức trung bình.