Đánh giá smartphone Sony Xperia Miro
Kể từ khi sáp nhập bộ phận di động vào mảng nghe nhìn, Sony đã giới thiệu tại thị trường Việt Nam hàng loạt mẫu smartphone từ cao cấp đến phổ thông, và gần đây nhất là các mẫu smartphone tầm trung chạy Android 4.0.
Sony Xperia Miro thuộc phân khúc smartphone giá rẻ chạy Android. |
Ra mắt cùng với mẫu Xperia Tipo, smartphone Sony Xperia Miro thuộc phân khúc tầm trung cũng sở hữu hầu hết những tính năng cần có của một chiếc điện thoại thông minh thời thượng, và nổi bật nhất là cũng chạy hệ điều hành Android 4.0 như “người anh em” Tipo của nó.
Xperia Miro cũng sở hữu cấu hình giống như model Xperia Tipo giá rẻ với chip xử lý đơn nhân tốc độ 800MHz, RAM 512MB, nhưng có camera sau đến 5 megapixel cùng đèn flash LED và camera phụ phía trước độ phân giải VGA. Bộ nhớ trong 4GB nhưng chỉ cho phép người dùng truy xuất trên 2GB, có thể mở rộng bằng khe cắm thẻ nhớ microSD hỗ trợ dung lượng đến 32GB. Điện thoại này cũng được trang bị công nghệ xLoud cho âm thanh loa ngoài lớn và mạnh mẽ hơn nhiều.
Tương tự như phần lớn smartphone Android năm nay của Sony, Xperia Miro cũng sử dụng Android 4.0 Ice Cream Sandwich với giao diện Timescape đặc trưng của hãng. Máy cũng hỗ trợ các kết nối thông dụng như Wi-Fi 802.11b/g/n, 3G HSPA, Bluetooth, aGPS...
Tuy được trình làng lần đầu hồi tháng 6/2012, nhưng phải đến cuối tháng 10 Xperia Miro chính hãng mới “lên kệ” tại thị trường Việt Nam. Giá của sản phẩm khoảng dưới 6 triệu đồng, nhỉnh hơn chút ít so với smartphone cùng dòng tầm trung Xperia Tipo.
Thiết kế
Sony Xperia Miro vuông vắn như hầu hết smartphone hiện nay của Sony, phần đế phía dưới của mặt trước được vát mỏng tạo dáng cùng với dải màu hơi khác so với khung màu chủ đạo của máy. Thiết kế này gợi nhớ nhiều đến mẫu Xperia Sola trình làng quý II/2012. Mẫu điện thoại mới thuộc dòng Xperia này có độ dày 9,9 mm và nặng 110 gram.
Sony đã trang bị cho smartphone này màn hình 3,5 inch, công nghệ cảm ứng điện dung, độ phân giải 320 x 480 pixel. Màn hình cho chất lượng chỉ ở mức trung bình, xem ảnh và văn bản khi duyệt web không gây nhiều ấn tượng.
Độ chi tiết và sắc nét trên màn hình cũng chưa thật tốt, còn xuất hiện răng cưa của chữ cũng như các biểu tượng. Tuy vậy, màu sắc của màn hình TFT với 16 triệu màu này thể hiện khá ổn, màu đậm và có phần rực rỡ hơn so với thực tế, đặc biệt là các gam màu nóng như vàng và đỏ.
Tính năng điều chỉnh ánh sáng đèn nền tự động của Xperia Miro cũng tương đối ổn, đáp ứng tốt cả khi sử dụng ngoài trời với nguồn ánh sáng mạnh hay khi sử dụng trong phòng tối hoàn toàn. Góc nhìn của màn hình cũng khá rộng, khoảng từ 60 đến 70 độ. Màn hình của máy còn được phủ lớp chống chói hiệu quả khi sử dụng ngoài trời nắng.
Xperia Miro mặt trước vuông vắn như hầu hết smartphone hiện nay của Sony. |
Mặt kính bảo vệ màn hình chiếm hầu như toàn bộ mặt trước, phía trên có loa thoại, camera phụ, đèn tín hiệu và cảm biến quang ẩn bên trong. Trong quá trình thử nghiệm, âm lượng loa thoại của miro hơi nhỏ, bất tiện cho người dùng khi nghe ở nơi ồn ào.
Phía dưới màn hình là 3 phím điều khiển cảm ứng Back, Home và Menu đặc trưng của dòng smartphone Xperia. Bản thân các phím này không có đèn nền nên hơi khó sử dụng trong môi trường hoàn toàn tối. Ngay bên dưới dãy phím là dải đèn nổi bật, nhưng chỉ xuất hiện chốc lát khi mới bật nguồn hay khi vừa mở ứng dụng nghe nhạc Walkman tích hợp, đồng thời cũng là đèn báo tín hiệu khi có tin nhắn SMS hay cập nhật mạng xã hội Facebook, Twitter.
Phía trên màn hình là loa thoại và camera phụ. |
Dưới màn hình là 3 phím cảm ứng cùng dải đèn tín hiệu. |
Các cạnh phía sau của Xperia Miro được bo tròn mềm mại, cùng với lớp vỏ chất liệu nhựa nhám có thể chống bám bẩn và vân tay phía sau nên mang lại cảm giác cầm chắc tay hơn. Ngoài phiên bản màu trắng thử nghiệm, Xperia Miro còn có bản màu đen sẽ cùng được bán ra tại Việt Nam.
Mặt sau của Xperia miro có cụm camera và đèn flash LED phía trên, trong khi phía dưới là logo được giữ lại của Sony Ericsson cùng với loa ngoài có màng chắn khá đẹp mắt. Thiết kế camera sau hơi bất tiện do quá sát với viền máy, đôi khi sẽ bị ngón tay người dùng che mất.
Mặt sau của sản phẩm có camera 5 megapixel kèm đèn flash LED, phía dưới là loa ngoài. |
Trên đỉnh là ngõ cắm tai nghe 3,5mm và nút nguồn, trong khi cạnh đáy có micro thoại và lỗ móc dây đeo. Cạnh trái là nút tăng giảm âm lượng và cạnh phải là cổng microUSB để kết nối với máy tính đồng thời cũng là cổng sạc. Thiết kế này tỏ ra khá hợp lý trong khi sử dụng và phù hợp cho người dùng thuận cả tay phải lẫn trái.
Cạnh trái của máy là nút tăng giảm âm lượng. Phần đế của máy được vát xéo tạo dáng. |
Cạnh phải có cổng microUSB. |
Nút nguồn và ngõ cắm tai nghe ở đỉnh máy. |
Cạnh đáy có micro thoại, lỗ móc dây đeo và phần lõm để mở nắp lưng. |
Xperia Miro có nắp lưng phía sau có thể tháo rời, bám khít và không hề tạo ra cảm giác ọp ẹp. Các ngàm bằng nhựa rất chắc chắn nên hơi khó khăn khi cần mở nắp, phần lớn là phải dùng nhiều đến móng tay. Sony cũng rất tinh tế khi thiết kế phần lõm phía dưới đáy máy, giúp người dùng dễ dàng hơn khi tháo nắp lưng.
Nắp sau và pin của máy có thể tháo rời. Bên trong là khe sim thường và khe thẻ nhớ microSD. |
Xperia Miro đi kèm tai nghe, cáp USB và sạc. |
Pin của máy cũng có dạng tháo lắp được. Thiết kế này phần nào cũng gây khó khăn khi cần tháo lắp sim hay thẻ nhớ. Xperia Miro cũng sử dụng sim thường tương tự như mẫu smartphone giá rẻ Tipo. Một khuyết điểm nữa là trong quá trình thử nghiệm, khi tháo pin và gắn lại thì tình trạng ngày giờ trong máy sẽ bị trở về mặc định ban đầu, khiến người dùng phải tốn nhiều thao tác để đặt lại. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thiết lập tính năng đặt ngày giờ tự động do mạng cung cấp.
Bài và ảnh: Huy Thắng