Đánh giá Oppo Neo 3 - smartphone giá tốt cho sinh viên
Oppo Neo 3 là phiên bản nâng cấp của mẫu Neo xuất hiện trên thị trường từ đầu năm, với những điều chỉnh về cấu hình, bổ sung thêm tính năng và khả năng sử dụng 3G miễn phí.
Khó có thể sánh được với dòng Zenfone 4 hay 5 của Asus về giá hay cấu hình, nhưng Neo 3 là mẫu smartphone cho hiệu quả sử dụng tốt, ngang ngửa một số dòng Windows Phone Lumia cũng như các model cùng tầm tiền tới từ Sony hay Samsung...
Neo 3 là smartphone Android 2 SIM hướng đến sinh viên với thiết kế trẻ trung, hài hòa. |
Thiết kế và màn hình
Neo 3 có thiết kế giống hệt với thế trước, thậm chí không có bất kỳ thay đổi nào. Đây là mẫu smartphone có thiết kế trung tình, hợp với cả nam lẫn nữ khi có hai phiên bản màu đen xám và trắng xánh. Phiên bản màu đen trông nam tính, khỏe khoắn hơn trong khi màu trắng trông trẻ trung và thời trang.
Cả hai đều sử dụng chất liệu nhựa với mặt trước là kính bóng còn mặt sau và vân nhám nhẹ, chống bám vân tay. Trên cạnh đỉnh và bên dưới của cả hai model đều có thêm dải nhựa trong suốt, màu ghi xám và xanh, để tạo điểm nhấn, khiến thiết kế trông trẻ trung hơn.
Mặt lưng đơn giản với hai lựa chọn màu trắng hoặc đen xám. |
Neo 3 sở hữu ngoại hình đơn giản, ít điểm nhấn. Kích thước tổng thể tạo cảm giác máy trông dài và thừa thãi ở hai đầu. Trên phiên bản màu trắng, hai chi tiết cảm biến và camera trước được thiết kế hơi thiếu ăn nhập. Bên dưới màn hình là dãy phím cảm ứng được thiết kế rõ ràng, có đèn nền cho thao tác thuận tiện.
Chiếc smartphone của Oppo cho cảm giác khá chắc tay và gọn gàng. Cạnh hai bên tạo ra cảm giác cấn tay nhẹ nhưng chấp nhận được khi phần lưng được thiết kế ôm gọn. Dù nắp lưng có thể tháo rời, thân máy tỏ ra rất chắc chắn và không hề bị ọp ẹp. Cũng như bản trước, thiết kế ở phần lưng của Neo 3 không quá nổi bật. Các chi tiết loa ngoài, cụm camera với đèn Flash đơn được sắp xếp gọn gàng với độ hoàn thiện khá tốt.
Oppo Neo 3 sở hữu màn hình IPS LCD 4,5 inch có độ phân giải 480 x 854 pixel. Với thông số này, độ chi tiết và sắc nét chấp nhận được với người dùng tầm trung. Hiện tượng rỗ hay việc có thể nhìn rõ từng điểm ảnh thể hiện khi người dùng nhìn quá gần màn hình còn ở khoảng cách thông thường, màn hình hiển thị khá ổn. Tấm nền IPS giúp cho màn hình của Neo 3 có màu sắc hiển thị không rực rỡ quá nhưng thật, góc nhìn ổn.
Màn hình 4,5 inch IPS LCD. |
Tuy vậy, điểm không thích là tấm hiển thị được đặt quá sâu dưới lớp kính hiển thị, khiến cho hình ảnh bị cảm giác chìm. Khác với một số model Android cùng tầm tiền, Neo 3 vẫn được trang bị cảm biến tự động điều chỉnh độ sáng, giúp cho màn hình tự tối ưu khả năng hiển thị dưới trời nắng gắt hay thiếu sáng.
Một trang bị đáng tiền ở mẫu smartphone giá thấp của Oppo là tính năng cảm ứng siêu nhạy, cho phép người dùng có thể đeo găng tay (khi trời lạnh) mà vẫn có thể thao tác với màn hình cảm ứng như thông thường. Đây là trang bị thường thấy trên dòng Lumia nhưng ít xuất hiện trên các mẫu Android giá thấp như Neo 3.
Tính năng:
Nâng cấp và thay đổi ở Neo 3 nằm ở các tính năng. Giống như model cao cấp Find 7, Neo 3 sử dụng nền tảng (giao diện và tính năng) Color OS do Oppo tự phát triển. Trang bị này phần nào gỡ gạc lại điểm yếu chỉ dùng Android Jelly Bean 4.2 của sản phẩm.
Về cơ bản, Neo 3 vẫn đem lại những trải nghiệm Android quen thuộc, cung cấp cho người dùng nhiều ứng dụng kết nối, làm việc hay học tập, giải trí với kho ứng dụng Play Store rộng lớn. Tuy vậy, Color OS giúp cho các tính năng sử dụng thông thường trở nên tiện và gọn hơn.
Color OS là trang bị tốt về phần mềm nhưng thiếu sót ở Neo 3 là việc chạy Android Jelly Bean thay vì phiên bản mới hơn. |
Giao diện, màn hình khóa với các biểu tượng được thiết kế lại cho phép người dùng có thể tùy biến nhanh với các Theme tải về từ trên mạng. Thanh cài đặt nhanh được tinh chỉnh lại gọn và nhiều chức năng hơn, hỗ trợ tính năng Quick Reach, cho phép kích hoạt nhanh ứng dụng bất kỳ bằng việc vẽ các hình được định sẵn, thậm chí cho phép thao tác ngay cả khi màn hình đang tắt. Các dịch vụ kho dữ liệu trực tuyến (Cloud), bảo mật, sao lưu dữ phòng ứng dụng, dữ liệu... của Color OS cũng tỏ ra hữu ích trên một smartphone tầm thấp như Neo 3.
Ngoài phần mềm, Oppo còn trang bị cho mẫu smartphone 2 SIM giá rẻ một số kết nối mở rộng như HotKnot hay OTG. Tuy nhiên, tính năng OTG, cho phép đọc dữ liệu từ USB, ổ cứng di động... thông qua cổng và cáp microUSB tỏ ra tiện dụng và thường xuyên dùng đến hơn. Trong khi HotKnot, chia sẻ không dây chỉ cần để gần màn hình 2 thiết bị lại gần nhau (tương như NFC và Wi-Fi Direct) lại chưa đạt được hiệu quả khi chỉ dùng với các thiết bị có HotKnot (chưa phổ biến).
Neo 3 sở hữu 2 khe cắm SIM dạng micro nằm bên trong nắp lưng cùng với khe cắm thẻ nhớ. Cả hai đều hỗ trợ 3G nên cho phép người dùng không phải thao tác chuyển đổi khe cắm khi dùng. Tính năng quản lý 2 SIM, từ cuộc gọi, tin nhắn cho tới danh bạ hay kết nối dữ liệu Internet trên Neo 3 hoạt động rất tốt, giúp người dùng kiểm soát được chi phí liên lạc. So với Neo đời đầu, trang bị đáng giá của Neo 3 là việc đi kèm với một SIM 3G miễn phí với dung lượng miễn phí 1 GB mỗi tháng có tốc độ tải nhanh 18 Mbps.
Camera ít tính năng nhưng chất lượng đủ dùng. |
Đáp ứng khá tốt về tính năng tổng thể nhưng điểm chưa làm hài lòng ở Oppo Neo 3 nằm ở camera. Vẫn sở hữu trang bị quen thuộc ở các smartphone tầm dưới 4 triệu đồng, camera 5 megapixel ở mặt lưng và camera phụ ở mặt trước. Nhưng camera trên Neo 3 lại bị cắt giảm nhiều tính năng mở rộng, tập trung vào một số tính năng chính. Camera chính chỉ hỗ trợ thêm 2 kiểu chụp, Panorama và chụp chân dung đẹp (Beautify), bên cạnh kiểu chụp Normal thông thường.
Ở chế độ chụp thông thường, camera chính của Oppo cũng được thiết lập gần như tự động, ngay cả việc chọn điểm lấy nét bằng cách chạm vào màn hình cũng không xuất hiện. Điều này khiến cho việc chụp cận cảnh, chủ động về độ sáng của ảnh hay có các góc chụp sáng tạo trên Neo 3 khó thực hiện được.
Xét về tổng thể, camera 5 megapixel của Oppo có chất lượng khá, chụp ảnh Panorama tốt. Tuy vậy, việc các bức hình bị tối, không nét đúng chủ thể hay rung nhẹ là điều dễ gặp phải nếu người dùng không quen máy. Ưu điểm của camera Neo 3 là ở camera trước độ phân giải 2 megapixel với tính năng làm đẹp chân dung Beautify, hấp dẫn với giới trẻ vốn mê trào lưu chụp ảnh "tự sướng" selife.
Một số ảnh chụp thử từ Oppo Neo 3
Hiệu năng và thời lượng pin
Cũng như tính năng, cấu hình là điểm tạo ra khác biệt giữa Neo 3 và Neo thế hệ trước. Vẫn giữ chip lõi kép tốc độ 1,3 GHz, nhưng dung lượng RAM đã được tăng từ 512 MB lên thành 1 GB. Thử nghiệm bằng các công cụ Antutu X, Quadrant hay Nenamark 2 cho kết quả đánh giá khá ổn trong tầm tiền, với số điểm lần lượt 11.673, 3.370 và 43.9 hình mỗi giây.
Thực tế khi thử nghiệm với game Asphalt 8 Airbone, Oppo Neo 3 hoàn toàn tương thích, chạy tốt với số khung hình khá ổn định, hiếm gặp phải tình trạng giật hoặc bị đá văng khỏi trò chơi. Với game onlineClash of Clans và Hayday, máy tương thích tốt. Với màn hình 4,5 inch và cấu hình như trên, Neo 3 đáp ứng được nhu cầu xem phim HD.
Viên pin dung lượng 1.900 mAh của Neo 3 không lớn nhưng nó đủ sức gánh vác khả năng hoạt động thoải mái với cả 2 SIM trong trọn vẹn một ngày. Nếu như sử dụng ít và để máy hoạt động nhiều ở chế độ, tắt mở các kết nối thường xuyên, thời gian pin có thể kéo dài lên tới gần 2 ngày.
Tuy vậy, khi chơi game hay kết nối mạng 3G thường xuyên, thời gian pin hao tốn khá nhanh. Ở dung lượng pin thấp, máy cũng được tích hợp chế độ tiết kiệm Power Saving cho phép duy trì thêm thời gian liên lạc.
Không nổi bật rõ ràng về một điểm nào cũng như còn hạn chế ở camera, nhưng Oppo Neo 3 là mẫu smartphone chất lượng ổn, hấp dẫn với người dùng trẻ có điều kiện kinh tế vừa phải khi hỗ trợ 2 SIM, có hỗ trợ 3G miễn phí, đủ sức đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng cùng thiết kế hài hòa.
Mỹ Anh