Chụp ảnh đẹp với điện thoại Android

Chụp ảnh đẹp với điện thoại Android

Về cơ bản, máy ảnh trong điện thoại Android thường tối thiểu đạt 6 megapixel, tuy nhiên để có thể chụp được những "pô" ảnh đẹp, bạn cần biết thêm ít thủ thuật. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn vài “mẹo” dành cho điện thoại máy ảnh Android để có thể chụp đêm đẹp hơn, làm mờ phông nền một cách nghệ thuật, giữ đối tượng sắc nét và nhiều thứ khác nữa.

Các thủ thuật đề cập sẽ lấy ví dụ với điện thoại Motorola Droid X, dĩ nhiên điện thoại Android của bạn có thể không có chung phần cứng và tính năng phần mềm như Droid X do đó bạn cần hiểu để áp dụng tốt hơn trên điện thoại của mình. Cạnh đó, phiên bản Android cũng đóng vai trò quan trọng. Tùy thuộc vào phần cứng của điện thoại, phần mềm cập nhật Froyo (Android 2.2) sẽ "giải phóng" nhiều tính năng điều khiển thủ công hơn để có thể trợ giúp nhu cầu chụp ảnh nâng cao. Hãy đảm bảo luôn giữ điện thoại được cập nhật và kiểm tra kỹ các thiết lập bên trong máy để biết rõ những tính năng nào đang có mặt.

Dùng đèn flash ngay cả ban ngày

Ảnh ngoài trời không có đèn flash (trái) và có flash làm dịu ảnh và ánh sáng trên gương mặt đều hơn..
Tại sao lại dùng đèn flash vào ban ngày? Trong các thiết lập độ sáng, đèn flash tích hợp của máy hình trên điện thoại không phải là nguồn sáng chính; thay vào đó đây là một vũ khí bí mật, để phủ vùng tối. Sự "bùng sáng" mà đèn flash cung cấp sẽ làm giảm bóng ở các chi tiết và bù sáng cho những chỗ thiếu sáng, đây là khiếm khuyết thường gặp với ảnh chụp dưới ánh nắng gắt.

Mặc dù đèn flash của Droid X không đủ mạnh để lấp đầy mọi bóng tối nhưng việc bật flash đối với ảnh chân dung chụp ban ngày cũng sẽ cải thiện những vùng bị dư sáng, khiến vùng đó bị mất chi tiết như má và trán. 

Điện thoại có tính năng chụp ảnh rất "khó chịu" về thiết lập khẩu độ khi chụp trong ánh sáng mạnh vì các vùng đổ bóng trên ảnh trở nên quá tối. Bạn có thể mở flash bằng cách chuyển đổi qua các chế độ (On, Auto và Off). Đèn flash sẽ làm hiện rõ các chi tiết trong phạm vi chừng 1 mét, do đó bạn nên giữ khoảng cách gần với đối tượng cần chụp. 

Ngoài ra, bạn cũng sử dụng flash với các đối tượng được chiếu sáng từ phía sau. Ví dụ, tránh rập khuôn sử dụng tính năng chụp ảnh hoàng hôn một đối tượng bị tối do đứng phía trước bầu trời đầy màu sắc. Thay vào đó, bạn hãy bật flash để chiếu sáng đối tượng.

Chỉnh ISO để chụp đêm

Các nhiếp ảnh gia thường hạn chế sử dụng flash vào ban đêm. Đèn flash đánh mạnh, phẳng có thể làm chói, mất chi tiết của ảnh chụp còn đèn flash yếu có lẽ vẫn không thể khắc phục trục trặc này thỏa đáng.

Bạn tự chỉnh thay vì để tự động vì ISO quá cao (nhiễu hạt) hoặc quá thấp (thiếu sáng).
Vì thế, tốt hơn hết là bạn sử dụng bất cứ nguồn sáng tự nhiên nào có được, tắt đèn flash và yêu cầu đối tượng giữ yên tư thế khi chụp. Bạn cũng cần cầm chặt máy ảnh và bật tính năng chống rung (nếu có). Phải thừa nhận rằng nếu chụp như trên, các phần của bức ảnh có thể bị mờ theo nhiều cách khác nhau tuy nhiên bạn vẫn còn có các công cụ để cải thiện ảnh chụp đêm không sử dụng đèn flash. 

Việc cài đặt ISO của máy ảnh trên điện thoại bắt chước tốc độ chụp phim trên các máy ảnh tiêu chuẩn; giá trị ISO càng cao thể hiện độ nhạy sáng càng cao. Tuy nhiên trong thực tế, việc đẩy ISO lên cao có thể làm ảnh chụp bị nhiễu hạt. Để tìm được một giá trị ISO phù hợp nhằm tạo ra ảnh chụp đẹp nhất, bạn cần thử nghiệm thực tế với các thiết lập trên chính máy ảnh của điện thoại. Ví dụ, trên Droid X, bạn sử dụng các thiết lập ở mục Settings.ISO equavalent sensitivity.

Không dùng zoom số

Máy ảnh trên điện thoại có thị kính cố định nên không thể phóng to/thu nhỏ (zoom) bằng cách di chuyển cụm thấu kính được. Thay vào đó, bạn có một zoom kỹ thuật số mà bạn sẽ hầu như không bao giờ dùng đến.

Zoom kỹ thuật số sẽ phóng to điểm ảnh thay vì phóng to chi tiết trên đối tượng. Hiệu ứng của zoom số giống như bạn phóng to tấm hình nào đó bằng 1 công cụ chỉnh sửa hình ảnh trên PC vậy. Nếu bạn muốn zoom thì hãy chụp như thông thường, sau đó, trên PC, bạn chỉ việc cắt cúp lại chủ thể nào cần zoom.

Còn bạn có muốn chụp trọn cả khung hình mà không muốn zoom? Hãy bước đến gần chủ thể hơn. Nếu tuyệt đối không thể đến gần, như trường hợp chụp một người nổi tiếng đang sống ẩn dật ở nơi hoang vắng chẳng hạn, bạn vẫn nên tránh dùng zoom số; thay vào đó bạn hãy cân nhắc phóng to khu vực bạn muốn bằng PC sau này.

Ánh sáng tốt làm cho hình ảnh đẹp

Chuyển sang chế độ Sport để tăng tốc độ màn trập.
Ngay camera điện thoại rẻ tiền nhất cũng có thể chụp được những tấm ảnh xuất sắc trong ánh sáng lý tưởng. Vì có thể bạn sẽ không chỉnh được nguồn sáng theo ý mình nên bạn hãy sắp xếp, bố cục cho đối tượng sao cho ánh sáng phủ lên đối tượng tốt nhất.

Trong hầu hết trường hợp, tấm hình đẹp là ánh sáng ở phía trước mặt đối tượng chụp, phía sau lưng người cầm máy. Bạn đừng chụp ngược sáng, như kiểu mặt trời chiếu trực diện vào máy ảnh.

Hãy nghĩ đến nhiều nguồn sáng để chụp được bức hình đẹp nhất. Các studio thường dùng tổng hợp ba nguồn sáng – ánh sáng chính, ánh sáng tăng cường, và ánh sáng chiếu sau – để chiếu lên toàn cảnh. Nguồn sáng sáng chính mạnh nhất từ bên cạnh camera chiếu tới, trong khi nguồn sáng bổ sung được chiếu bên cạnh để giảm bớt các bóng tối, và nguồn sáng chiếu sau đặt xa bên cạnh hoặc sau lưng chủ thể để thêm cảm giác về chiều sâu.

Hãy cố tuân theo các bố cục tương tự khi có thể. Trường hợp chụp trong nhà, vào buổi chiều, bạn cũng có thể dùng ánh sáng hắt vào từ cửa sổ như là nguồn sáng chính và bổ sung, và một chiếc đèn nhỏ là nguồn sáng chiếu sau. Tuy nhiên, cần tránh những nguồn sáng quá chói có trong bức hình vì camera điện thoại sẽ dựa vào nguồn sáng này để tự động đo sáng.

Chụp sắc nét hơn

Chuyển sang chế độ chụp chân dung để tạo hiệu ứng mờ phông nền.
Bạn chụp ảnh dễ bị mờ? Lý do vì camera hoặc chủ thể của bạn bị rung quá nhiều. Lý do đầu sẽ tạo ra các bức hình hoàn toàn bị mờ, còn lý do sau sẽ tạo ra bức hình có một số phần tử sắc nét nhưng chủ thể bị mờ. Sau đây là cách khắc phục.

Để giảm rung cho camera, bạn giữ thật yên điện thoại khi nhấn nút chụp. Hãy cầm camera điện thoại bằng hai tay và giữ chặt hai khuỷu tay vào hai bên sườn bạn để chống đỡ. Khi bấm nút chụp, bạn cần giữ nguyên tư thế, – như không nhấc ngón tay – cho đến khi bảo đảm ảnh đã thu hình. Trên vài điện thoại, bạn cần nhấn nửa chừng để máy lấy nét, sau đó mới nhấn mạnh để chụp ảnh. Trong giai đoạn này, bạn cũng cần giữ yên tư thế chụp để ảnh có nét.

Nếu chụp trong môi trường đầy đủ ánh sáng, bạn có thể khắc phục mất nét bằng cách tăng tốc độ màn trập. Trong hầu hết trường hợp – như trên Droid X chẳng hạn – bạn thực hiện việc này bằng cách chọn Scenes. Sport, vì một camera điện thoại về nguyên tắc không có điều chỉnh cài đặt tốc độ màn trập thủ công.

Dùng hiệu ứng mờ

Dùng hiệu ứng làm mờ (blur) phông nền của camera điện thoại để bạn dễ lấy nét chủ thể. Trường ảnh ngắn là thủ thuật phổ biến để làm mờ phông nền và đây là thủ thuật cho hiệu ứng khá ấn tượng.

Để có được ảnh tốt nhất, điện thoại bạn cần hỗ trợ chỉnh khẩu độ thủ công và môi trường chụp ánh sáng đầy đủ. Bạn chỉnh thông số khẩu độ ở mức thấp nhất (nghĩa là khẩu độ mở lớn nhất) nếu điện thoại hỗ trợ, còn không, bạn chuyển điện thoại sang chế độ chụp chân dung (Portrait) nếu có (trên Droid X là Scenes.Portrait). Bất kể chọn cách nào, hiệu ứng mờ phông cũng sẽ nổi bật hơn nếu chụp cách chủ thể dưới 1m và giữ chủ thể cách xa với nền.

Hiệu ứng mờ cũng có thể áp dụng vào tình huống khác khi chủ thể di chuyển hoặc camera di chuyển. Tuy nhiên, nếu cả hai cùng di chuyển thì chỉ phông nền bị mờ. Khi bạn và chủ thể cùng nhau đi bộ, cố gắng lấy nét vào chủ thể, lúc này khi chụp, phông nền sẽ bị mờ. Hiệu ứng này hoạt động tốt nhất trong điều kiện ánh sáng yếu – chẳng hạn như lúc trời chạng vạng tối – vì camera phải kéo dài tốc độ màn trập. Một cách khác là tạo cho phông nền thật mờ như bạn chụp chủ thể bên trong chiếc xe đang di chuyển.

Dùng các trình ứng dụng timer

Camera Zoom FX cho bạn vài tùy chọn về định thời gian chụp, tiện dụng khi chụp ảnh tập thể.
Bạn có thể chụp ảnh đẹp bằng trình ứng dụng camera cài trong điện thoại Android của mình, tuy nhiên có vài ứng dụng add-on bổ sung nhiều tính năng phụ khác nữa. Chẳng hạn có vài công cụ cho phép định thời gian để chụp, mà mặc định điện thoại Droid X không có.

Camera Zoom FX có vài hiệu ứng, trong đó có công cụ định giờ chụp tự động (timer). Để thực hiện, bạn cân chỉnh sao cho mọi người xuất hiện đầy đủ trong khung ngắm, sau đó vào settings.settings 3. timer để bật timer. Bổ sung chế độ chụp liên tiếp (burst) để chụp nhiều ảnh một lúc, tiện cho bạn khỏi phải đi tới đi lui để chụp lại. Chỉ cần vào Quick Settings. Settings 3. Burst Mode.

Thực hiện một số việc làm đẹp

Nhiều bức ảnh xấu, thoạt trông như do chất lượng camera điện thoại nhưng thực chất không phải do phần cứng, mà là do người sử dụng chụp trên góc độ của một người cầm máy ảnh, không phải cầm điện thoại có chức năng chụp ảnh: tầm mắt, xa đối với chủ thể. Như hãy cố hạ thấp máy ảnh xuống bằng chiều cao của trẻ để chụp trẻ chơi đùa, hoặc cố thực hiện cảnh chụp từ một góc thấp sau khi nhóm của bạn chinh phục một đỉnh núi. Quan trọng nhất là đến gần chủ thể của bạn để chụp.

Hãy áp dụng các thủ thuật trên để làm quen với camera điện thoại Android của bạn. Chỉ cần làm qua vài lần, bạn có thể nâng cao “tay nghề” chụp ảnh cho dù đó là chiếc máy ảnh tích hợp trên điện thoại.

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều