Tối ưu thời gian dùng pin MTXT
Chọn phần cứng phù hợp là yếu tố then chốt quyết định đến thời gian dùng pin của bạn. Mức tiêu thụ điện năng của MTXT phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng trong đó nổi bật là CPU, GPU, màn hình và kích thước máy. Các thành phần còn lại có ảnh hưởng nhưng không nhiều, chẳng hạn 2 thanh DDR2 SDRAM 2GB (tổng dung lượng 4GB) tiêu thụ điện năng tương đương 2 thanh RAM 512MB (tổng dung lượng 1GB) hoặc với ổ cứng kích thước 2,5” (loại phổ biến của MTXT) dung lượng khác nhau cũng có mức tiêu thụ điện tương đương. Điều này cho thấy quan niệm cấu hình càng cao càng ngốn nhiều pin không hẳn là đúng trong mọi trường hợp. Nếu bạn là người thường xuyên di chuyển hoặc thời gian dùng pin liên tục từ 7 đến 8 tiếng, hãy nghĩ đến giải pháp dùng pin dự phòng với máy tính đang sử dụng hoặc cân nhắc việc lựa chọn dòng máy siêu di động (ultra-portable) nếu mua mới.
1. Bộ xử lý (CPU)
TDP (Thermal design power) không phải là công suất tiêu thụ của CPU mà là công suất tối đa mà hệ thống tản nhiệt (hoặc quạt làm mát) phải đáp ứng để CPU không quá nóng (overheat). Mặc dù không chính xác lắm nhưng có thể hiểu nôm na TDP là công suất tiêu thụ tối đa của CPU. |
Người dùng thường có xu hướng chọn CPU mạnh nhất, thường là… đắt tiền nhất và ngốn nhiều điện năng nhất. Tuy nhiên theo kinh nghiệm ngườ viết thì trừ khi bạn cần dùng MTXT để chơi game “hạng nặng”, xử lý đồ họa hoặc kiến trúc thì với đa số người dùng, 1 CPU đầy đủ chức năng dòng P hay Core i3, i5M có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Xếp theo mức độ tiết kiệm điện năng từ thấp đến cao thì bộ xử lý (BXL) Intel Atom tiêu thụ điện năng rất ít, chẳng hạn Atom Z550 chỉ có TDP tối đa là 2,4W. Intel Atom thường được dùng trong netbook (máy tính sổ tay). Để tiết giảm điện năng tiêu thụ, Atom thường bị cắt giảm bớt tính năng và có hiệu năng khá thấp. CPU siêu tiết kiệm năng lượng như Intel Core 2 Duo L7xxx, Core i3 350UM, v..v.. thường có TDP là 12W, Vcore ở mức 0,7 – 0,8V và xung nhịp dưới 1.5Ghz. Cao hơn 1 chút là Core i7 6xxUM với TDP 18W nhưng vẫn được xếp vào dòng siêu tiết kiệm năng lượng vì chúng tích hợp cả chipset cầu bắc (northbridge) và GPU trong CPU. Kế đến là các CPU tiết kiệm năng lượng dòng SL có TDP khoảng 17W, chúng thường được cắt giảm một số công nghệ tương đối “cao cấp” như ảo hóa vì ít người dùng cần chạy những ứng dụng nặng nề trên máy tính siêu di động. CPU hỗ trợ đầy đủ tính năng (full-feature) như dòng P, Core i3, Core i5 có TDP cao hơn, khoảng 25W do hỗ trợ các tính năng cao cấp như ảo hóa; Lưu ý là một số CPU dòng Core i3, i5 có TDP lên đến 35W, tuy nhiên con số này bao gồm cả GPU tích hợp. Các CPU hiệu năng cao (high performance) bao gồm dòng T, core i7 M có TDP khoảng 35W (không gồm GPU tích hợp), và đứng đầu bảng là CPU 4 nhân Q9xxx, Core i7 Q với TDP lên đến 45W. Đây là các CPU hiệu năng cao, thích hợp với những cấu hình chơi game, đồ họa hoặc thiết kế.
Thời gian dùng pin còn lại tùy thuộc trạng thái hoạt động của hệ thống2. Bộ xử lý đồ họa (GPU)
Hiện nay, ngoài GPU tích hợp (trên mainboard hay trong CPU), nhiều MTXT còn được trang bị GPU rời. Bên cạnh đó, 1 số dòng MTXT còn áp dụng giải pháp card đồ họa chuyển đổi được (switchable graphics), kết hợp giữa card đồ họa tích hợp và card đồ họa rời. Việc chuyển đổi giữa 2 card đồ họa có thể là do người dùng quyết định (các giải pháp dùng switchable graphics của ATI), hoặc tự động khi có yêu cầu về xử lý đồ họa (Optimus của nVidia). Đây là một lựa chọn bạn có thể cân nhắc nếu có yêu cầu cao về thời gian dùng pin nhưng đôi khi vẫn cần năng lực xử lý đồ họa.
Tương tự CPU thì GPU cũng phân thành làm nhiều dòng, tùy hiệu năng và đồng thời cũng là điện năng tiêu thụ. GPU tích hợp Intel HD Graphic (phổ biến là Intel GMA 4500MHD và 5700MHD) với TDP khoảng 12W hoặc thấp hơn (7 - 8W ở chế độ low-power). Khả năng xử lý đồ họa GPU tích hợp khá hạn chế, chỉ thích hợp cho công việc văn phòng và học tập. GPU rời cấp thấp như AMD (ATI) Radeon HD34xx, 43xx và 53xx hoặc NVIDIA Geforce G 210M, 310M cũng có TDP khoảng 12 - 14W, khả năng xử lý đồ họa cao hơn 1 chút so với GPU tích hợp, thích hợp cho nhu cầu giải trí đơn giản. Kế tiếp là các GPU AMD Radeon HD3650, 46xx, 5470, 6370M hoặc NVIDIA Geforce 410M, 320M có thể đáp ứng hầu hết các game với thiết lập đồ họa ở mức trung bình. GPU tầm trung như AMD HD 46x0M, 5650M hoặc NVIDIA Geforce GT 420M, 335M, 425M, v..v.. đáp ứng hầu hết các game đang có mặt trên thị trường; kể cả các game hạng nặng. Cao cấp nhất (và cũng ngốn nhiều điện năng nhất) là những GPU AMD CrossFire hoặc NVIDIA SLI như HD 6970M CrossFire, GTX 480M SLI. Khả năng xử lý đồ họa của chúng có thể sánh ngang GPU của máy tính để bàn cao cấp, cho phép chơi các game với thiết lập đồ họa mức cao nhất.
3. Màn hình
Bạn đọc nên chọn màn hình đèn nền LED thay vì đèn nền CCFL. Hẳn nhiều bạn đọc vẫn nhớ nhận định rằng màn hình LED tiết kiệm năng lượng hơn màn hình CCFL nhưng không đáng kể (ID: A1008_120). Về tổng quát thì điều này đúng, tuy nhiên vẫn có một ngoại lệ bạn đọc nên cân nhắc là đối với MTXT siêu di động (ultra-portable). Ở độ sáng trung bình, với cùng kích thước thì màn hình 12.1” đèn nền CCFL tiêu thụ khoảng 4,5W trong khi màn hình đèn nền LED khoảng 3,5W; thấp hơn 1W. Đối với các MTXT bình thường thì 1W không phải đáng kể nhưng với các MTXT siêu di động, 1W có thể tương đương với 30 phút sử dụng hay hơn nữa, giúp bạn hoàn tất công việc tốt hơn.
4. Kích thước MTXT
Ngoài các yếu tố trên, kích thước cũng là một yếu tố quan trọng đối với thời gian dùng pin: màn hình và bo mạch nhỏ gọn sẽ tiêu thụ năng lượng ít hơn. Điểm hạn chế của sự nhỏ gọn là kích thước pin (và đồng thời cũng là dung lượng pin) cũng hạn chế.