Giải quyết thách thức khi trung tâm dữ liệu gia tăng
Đó chính là kết luận của cuộc khảo sát hiện trạng quản lý thông tin năm 2010 do tổ chức nghiên cứu Applied Research và tập đoàn Symantec thực hiện với 1.680 nhà quản lý CNTT và chuyên gia pháp lý trong doanh nghiệp tại 26 quốc gia về cách thức họ quản lý các thông tin kinh doanh quan trọng.
87% đơn vị được hỏi nói rằng họ tin tưởng vào giá trị của kế hoạch lưu trữ thông tin chính thức, nhưng chỉ có 46% đơn vị triển khai kế hoạch đó. Ngoài ra, rất ít trong số đó thực sự thực thi chính sách của họ. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng quá nhiều các doanh nghiệp lưu trữ thông tin theo kiểu vô hạn định ngay cả khi họ đã có chính sách về việc đó. Thay vì thực thi chính sách cho phép họ tự tin xóa bỏ dữ liệu dư thừa, không còn dùng đến thì các doanh nghiệp lại để dữ liệu phình ra một cách không kiểm soát.
Ảnh minh họa: Investigate Caffeine. |
Cuộc khảo sát nêu ra 3 thực tế trong công tác quản lý thông tin doanh nghiệp hiện nay: có sự cách biệt giữa mục tiêu quản lý thông tin doanh nghiệp với hoạt động thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng không đúng hệ thống sao lưu dữ liệu cho công tác lưu trữ dữ liệu (archiving), và thậm chí là không thể giải thích được tại sao họ lại giữ tới 40% dữ liệu có được trên băng từ.
Theo bà Suzie Tan, Tổng giám đốc Symantec Việt Nam, khoảng cách trên làm gia tăng nhanh chóng lượng dữ liệu lưu trữ, tạo ra các bản sao lưu khó xác định, làm tăng nguy cơ tranh chấp pháp lý và làm cho quá trình khôi phục tốn kém và thiếu hiệu quả, khiến cho doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Một kế hoạch quản lý thông tin toàn diện là rất quan trọng đối với việc quản lý hiệu quả lượng dữ liệu ngày càng tăng cao, trong khi vẫn đảm bảo được khả năng tìm kiếm và khôi phục thông tin cụ thể một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, việc e ngại xóa nhầm các thông tin quan trọng lại khiến cho doanh nghiệp không thể từ bỏ phương thức lãng phí là lưu giữ tất cả thông tin mãi mãi. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến trong môi trường sao lưu, nơi mà các doanh nghiệp chỉ bắt đầu công việc lưu trữ dữ liệu nếu cảm thấy cần thiết ở một điểm nào đó. Hướng tiếp cận đó cho thấy doanh nghiệp còn quan tâm rất ít tới kế hoạch lưu trữ hoặc quản lý các tài nguyên CNTT khác. Các doanh nghiệp đang sao lưu dữ liệu theo kiểu để lưu trữ chứ không coi đó là công cụ giúp họ khôi phục hệ thống trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Theo bà Tan, việc quản lý không đúng các thông tin có thể sử dụng làm bằng chứng pháp lý là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Hầu hết (70%) các doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống sao lưu dữ liệu để chuẩn bị sẵn các thông tin này, trong khi hệ thống sao lưu vốn dĩ lại không được thiết kế cho nhiệm vụ đó. Nghiêm trọng hơn khi 25% doanh nghiệp đã giữ lại toàn bộ bản sao lưu cho tệp tin và tài liệu có liên quan đến pháp lý. Điều đó dẫn tới việc 45% lượng thông tin sao lưu có nguồn gốc xuất xứ từ đây.
Sao lưu là dựa trên hệ thống và hoàn toàn không thích hợp cho mục đích lưu giữ thông tin pháp lý, vốn cần phải có nghiệp vụ riêng. Đây là lý do tại sao doanh nghiệp cần tính tới kỹ thuật lưu giữ archiving để bổ sung cho việc sao lưu. Các tổ chức cũng cần phải khôi phục bản sao lưu theo mục đích sử dụng cũng như nhu cầu khôi phục thảm họa, trong khi vẫn đáp ứng tốt cho nhu cầu người dùng cuối về tìm kiếm, khám phá và điều tra thông qua thông qua lưu trữ archiving. Việc sao lưu (backup) là dành cho khôi phục dữ liệu nói chung, lưu trữ (archiving) là dành cho khôi phục dữ liệu, được thực hiện bởi người dùng cuối và người dùng hợp pháp.
Khảo sát nói trên của Applied Research cho thấy các doanh nghiệp đang tỏ ra nhầm lẫn về khái niệm lưu trữ archiving. Chẳng hạn, 3/4 bản sao lưu được lưu giữ vô thời hạn hoặc được dùng cho mục đích pháp lý. Trong khi đó, 51% doanh nghiệp cấm nhân viên không được tạo ra các bản lưu riêng của họ trên máy tính hoặc ổ cứng cục bộ. Tuy vậy, 65% doanh nghiệp nói rằng người dùng cuối vẫn thực hiện việc này.
Một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng kho lưu trữ tiếp tục ngốn một phần lớn ngân sách CNTT của doanh nghiệp năm này qua năm khác, trong khi ngân sách dành cho việc này lại hầu như không tăng. Việc doanh nghiệp dễ dàng chi tiền để tăng thêm không gian lưu trữ khiến cho câu chuyện phải mất cả cuối tuần để thực hiện công đoạn sao lưu ngày càng trở nên phổ biến hơn. Trong khi đó, thời gian khôi phục dữ liệu lại càng tệ hơn. Khoảng thời gian cần để khôi phục những bản sao lưu khổng lồ đó có thể khiến cho bất cứ chương trình khôi phục thảm họa nào bó tay. Khi đó, việc đáp ứng được nhu cầu khôi phục càng trở nên khó khăn gấp bội với lượng thông tin khổng lồ và những công cụ thiếu hiệu quả đó. Khi 1 GB không gian lưu trữ chứa tới 100.000 e-mail thì doanh nghiệp rất dễ phá sản bởi chi phí cho luật sư xem xét toàn bộ dữ liệu điện tử đó rất cao. Thường thì chi phí xem xét hồ sơ điện tử của luật sư gấp 1.500 lần chi phí lưu trữ dữ liệu.
Symantec đề xuất một số bước quan trọng để doanh nghiệp có thể chuyển từ kế hoạch bảo vệ dữ liệu "quá tải" sang kế hoạch lưu trữ thông tin tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn. Thông qua các bước này, doanh nghiệp có thể lấy lại khả năng kiểm soát thông tin và loại bỏ áp lực chi phí lưu trữ tốn kém, số bản sao lưu tăng vọt và nguy cơ tranh chấp pháp lý gây ra. Chỉ lưu các bản sao lưu dữ liệu trong vòng 30-60 ngày rồi xóa bỏ: Sao lưu không phải là lưu trữ thông tin lâu dài và không dùng sao lưu cho lưu trữ archiving và lưu trữ pháp lý. Tự động lưu trữ sau khoảng thời gian 30-60 ngày: Những thông tin nào không thể xóa được trong khoảng thời gian 30-60 ngày vì lý do kinh doanh, luật pháp hoặc do quy định của công ty thì có thể tự động gán chính sách lưu trữ và xóa thông tin cho chúng. Chính sách này sẽ do hệ thống lưu trữ (archiving system) thực hiện. 46% doanh nghiệp có chính sách lưu trữ (theo báo cáo khảo sát trên) cần phải triển khai ngay các chính sách đó. Các chính sách vạch ra rồi mà không thực hiện có thể làm phát sinh các nguy cơ pháp lý. Tự tin xóa bỏ dữ liệu dư thừa và có khả năng bảo vệ dữ liệu nhanh chóng: 30-60 ngày của dữ liệu sao lưu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể thực hiện sao lưu và khôi phục dữ liệu nhanh hơn, trong khi đó vẫn xóa bỏ bớt các bản sao lưu cũ từng tháng thay vì từng năm. Đó là một lượng dữ liệu lưu trữ khổng lồ và cả phần dữ liệu liên quan đến trách nhiệm pháp lý mà các doanh nghiệp có thể xóa bỏ một cách tự tin và hợp pháp. Tránh trùng lặp mọi nơi: Bắt đầu triển khai việc làm này từ ứng dụng nguồn với kỹ thuật chống trùng lắp lưu trữ, rồi sau đó là môi trường sao lưu, và cố gắng triển khai kỹ thuật chống trùng lắp càng sát với các nguồn thông tin càng tốt bởi nó sẽ giúp giải phóng tài nguyên hệ thống mạng, máy chủ và hệ thống lưu trữ. Và cuối cùng là, loại bỏ việc xem xét các dữ liệu trùng lặp trong quá trình tìm kiếm thông tin nhằm tăng tốc các quy trình đánh giá tình huống sớm. Tìm kiếm thông tin hiệu quả: Tìm kiếm, bảo lưu và đánh giá thông tin một cách nhanh chóng hơn, đồng thời thực hiện quy trình này "mịn" hơn trong môi trường sao lưu. Việc này sẽ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí để đánh giá rủi ro pháp lý; giải quyết điều tra nội bộ và đối phó với các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ chính sách. Chống mất mát dữ liệu: Các doanh nghiệp nên triển khai công nghệ chống mất mát dữ liệu để giảm thiểu nguy cơ rò rỉ dữ liệu cũng như tuân thủ các quy định, bảo vệ khách hàng, nhãn hiệu sản phẩm cũng như tài sản trí tuệ của họ. Các nhà quản trị CNTT cũng cần tìm kiếm giải pháp giúp phát hiện, theo dõi và bảo vệ thông tin mật, đồng thời cung cấp quyền xem đầy đủ các thông tin sở hữu và sử dụng thông tin. |
V.T.