Dùng smartphone làm công cụ thuyết trình
Nếu có sẵn máy tính và máy chiếu tại nơi bạn thuyết trình và bạn chỉ cần chuyển các tập tin của mình đến đó, hãy dùng điện thoại như một ổ lưu trữ di động. Hãy nhớ trước khi rời khỏi văn phòng, bạn nên chuyển tập tin cần trình bày từ máy tính sang điện thoại của mình. Hoặc nếu bạn dùng điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone 7, bạn chỉ cần truy cập vào tập tin dạng PowerPoint ngay trên điện thoại thông qua ổ lưu trữ "đám mây" SkyDrive.
Điện thoại có thể là cứu tinh nếu bạn lỡ quên tập tin ở nhà, trong trường hợp bạn lưu nội dung trình bày trong ứng dụng Dropbox hay Box. Bạn cũng nên mang theo cáp USB để kết nối điện thoại của mình với máy tính.
Nếu như tại điểm thuyết trình đã có sẵn máy tính và máy chiếu, thì điện thoại sẽ đóng vai trò thiết bị điều điều khiển từ xa. Hãy dùng ứng dụng cài sẵn trên điện thoại iOS hay Android có thể “giao tiếp” với chương trình phục vụ trình chiếu trên máy tính, và bạn có thể điều khiển nội dung trình bày thông qua các cử chỉ trên điện thoại của bạn.
Ví dụ, phần mềm i-Clickr PowerPoint Remote có thể hỗ trợ kết hợp cả máy tính lẫn điện thoại iOS, hay các ứng dụng dành cho Android như Bluetooth Remote PC (hoạt động thông qua Bluetooth) và Remote for PowerPoint (hỗ trợ Wi-Fi).
Sẽ có lúc bạn cần dùng điện thoại như một thiết bị trình chiếu thật sự, vào những lúc không có sẵn máy tính. Trong trường hợp này, một số điện thoại cung cấp một số tùy chọn xuất video để bạn có thể hiển thị từng trang (slideshow) trên màn hình hay TV. Những chiếc iPhone phiên bản mới hơn có thể xuất video thông qua bộ kết nối 30 chân, còn điện thoại Android nhưHTC Evo 3D có hỗ trợ mini-HDMI hay cổng xuất MHL. Một điều cần lưu ý, không phải tất cả điện thoại đều hỗ trợ xuất mọi nội dung trên màn hình hay máy chiếu, mà thực tế vẫn có một số hạn chế về kiểu định dạng chuẩn video. Vì vậy, để chắc ăn bạn nên thử cài đặt trước khi bắt tay vào thực hiện.
Nếu sử dụng điện thoại như một thiết bị trình chiếu thì bạn cần có phần mềm hỗ trợ. Windows Phone 7 của Microsoft đã có sẵn trình xem PowerPoint, còn các ứng dụng như Documents to Go hay Quickoffice Pro hỗ trợ cả hệ điều hành Android hay iOS, giúp hiển thị nội dung trình bày dạng PowerPoint được lưu trong điện thoại.
Để tránh những vấn đề phát sinh liên quan đến phông chữ, các phiên bản không tương thích, và những tính năng có thể bị hạn chế thì bạn nên dùng một ứng dụng điều khiển máy tính từ xa để có thể chạy nội dung trên máy tính PC tại văn phòng của bạn. Ví dụ, ứng dụng LogMeIn dành cho iOS hay TeamViewer dành cho Android sẽ hỗ trợ việc truy cập vào máy tính để bàn của bạn (Xem thêm: Tìm hiểu 4 dịch vụ điều khiển máy tính từ xa). Lúc này, bạn có thể đưa các nội dung đang nằm trong máy tính ở văn phòng (hay ở nhà) hiển thị tại nơi trình chiếu. Để mọi thứ hoạt động suôn sẻ, cần bảo đảm đường truyền kết nối ổn định.
Trong tương lai, có thể còn có những cách trình chiếu thú vị khác từ điện thoại của bạn. Gần đây, có một hacker đã phát triển một hệ thống kết hợp giữa một máy tính, một máy chiếu và một camera trên thiết bị Kinect của Microsoft để chiếu nội dung trong điện thoại lên tường. Anh ta có thể điều khiển chiếc điện thoại bằng cách tương tác với hình ảnh trên tường. Ví dụ khác là công ty Texas Instruments đã phát triển máy chiếu bỏ túi hoạt động với smartphone và điện thoại LG eXpo đã có tích hợp máy chiếu nhỏ.