Máy tính bảng cho dịp mua sắm cuối năm
Máy tính bảng (MTB) đem đến những trải nghiệm “bất ngờ” cho người dùng ở mọi lứa tuổi. “Trẻ lớn” dùng MTB để học tập, giải trí, còn trẻ nhỏ hơn có thể tương tác trực tiếp trên MTB để tập luyện đôi tay khéo léo, nhận biết màu sắc, tên gọi các đồ vật, loài vật qua các hình ảnh sinh động, trực quan; người lớn truy cập web cập nhật tin tức, đọc sách điện tử, trao đổi dữ liệu qua Internet, trò chuyện với bạn bè, giải trí…
Tuy nhiên, việc có quá nhiều thương hiệu, cùng “hàng tá” tính năng, có lẽ sẽ khiến bạn bối rối khi quyết định chọn mua chiếc MTB phù hợp cho cá nhân hay gia đình. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn cách chọn mua MTB theo nhu cầu, và giới thiệu 10 mẫu MTB nổi bật năm 2011 (một số hiện có mặt tại thị trường Việt Nam).
Xem xét nhu cầu: Người dùng gia đình:
Bạn muốn lưu và trình chiếu hình ảnh, phim gia đình; muốn vừa nằm vừa “lướt web” theo dõi tin tức hay đọc sách mà không cần đèn; thậm chí bạn có con nhỏ và muốn trẻ sớm tiếp cận công nghệ?
Lời khuyên: bạn nên chọn MTB có màn hình cảm ứng 7”, thiết kế chắc chắn, hỗ trợ truy cập Wi-Fi, thẻ nhớ mở rộng. MTB dạng này thường nhẹ (so với MTB màn hình 10”), nhỏ gọn dễ cầm nắm thích hợp cho việc vừa nằm vừa xem, và thuận tiện cho trẻ em sử dụng. Với gia đình có trẻ nhỏ (2 tuổi – 6 tuổi), MTB sẽ giúp trẻ trở nên khéo léo, tăng dần khả năng tư duy qua việc tương tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng; trẻ sẽ nhanh chóng nhận biết tên gọi, hình ảnh, âm thanh các đồ vật, loài vật… qua các đoạn phim, hình ảnh hiển thị trên MTB. Chú ý, không nên cho trẻ nhỏ sử dụng MTB liên tục và thường xuyên.
Chuyên gia đồ họa, thiết kế:
Bạn muốn giới thiệu, trình diễn các hình ảnh, đoạn phim mẫu thiết kế với khách hàng. Bạn cần chỉnh sửa nhanh một số thông số ảnh theo yêu cầu khách hàng. Bạn muốn xem và tinh chỉnh ngay các ảnh vừa chụp.
Lời khuyên: bạn nên chọn MTB có bộ xử lý lõi kép, màn hình cảm ứng IPS 10,1”, độ phân giải từ 1280x800 pixel, hỗ trợ kết nối Bluetooth, Wi-Fi, 3G, các ứng dụng biên tập đồ họa, khe gắn thẻ nhớ mở rộng. Màn hình IPS (In-Plane Switching) sẽ cho hình ảnh sắc nét, góc nhìn rộng, phù hợp cho việc hiển thị các mẫu thiết kế, các hình ảnh đồ họa cần sự chi
Người dùng văn phòng, người dùng khác
Ngoài tính di động, sự nhỏ gọn, khả năng kết nối Internet, bạn còn muốn xem phim, nghe nhạc, chơi trò chơi, đọc sách, kết nối bạn bè trên mạng xã hội, thực hiện các cuộc gọi qua Internet hay qua mạng di động…
Lời khuyên: bạn có thể chọn máy tính bảng như của chuyên gia đồ họa, thiết kế; hay chọn máy tính bảng có kèm chức năng điện thoại (thực hiện cuộc nhận/gọi qua mạng điện thoại di động).
Thông số cần biết
Màn hình cảm ứng điện trở (resistive touchscreen): Là loại nhạy cảm với “áp lực” tác động lên bề mặt và có thể được điều khiển bằng bút trâm, ngón tay hay bất kỳ vật nào có đầu nhọn. Màn hình cảm ứng điện trở sử dụng panel kiếng hay nhựa acrylic gồm 2 lớp tương tác mỏng: lớp chất dẫn điện và lớp điện trở - 2 lớp này được cách ly bởi những điểm và khoảng trống mà mắt thường không thể nhìn thấy. Độ nhạy cũng như độ bền của màn hình điện trở không thể sánh với màn hình điện dung. Bên cạnh đó, màn hình cảm ứng điện trở không thể hỗ trợ các thao tác “đa chạm” (multitouch).
Màn hình cảm ứng điện dung (capacitive touchscreen): Khác với màn hình cảm ứng điện trở, màn hình cảm ứng điện dung chỉ sử dụng một lớp tương tác, đó là panel kiếng được phủ kim loại và điều này trước mắt sẽ cho ánh sáng đi qua nhiều hơn (đến 90%) giúp hình ảnh hiển thị rõ ràng hơn.
Màn hình cảm ứng điện dung dựa trên các thuộc tính điện năng của cơ thể con người để xác định “khi nào và ở đâu” trên màn hình mà bạn tiếp xúc. Nhờ vậy, màn hình cảm ứng dạng này có thể được điều khiển bởi những “cái chạm” rất nhẹ từ ngón tay.
Đa chạm (multi-touch): Là phương pháp nhập liệu trên một màn hình cảm ứng, cho phép hai hay nhiều ngón tay “múa” cùng lúc trên màn hình. Tính năng đa chạm chủ yếu thường “gắn liền” với màn hình cảm ứng điện dung bởi công nghệ này cho phép bộ điều khiển, phần mềm nhận dạng chính xác các thao tác ngón tay của bạn.
Công nghệ panel IPS (In-Plane Switching): Có khả năng thể hiện màu sắc trung thực và rất ấn tượng, gần tương đương như màn hình CRT và góc nhìn lớn nhất; nhược điểm là chi phí cao. Hiện có khá nhiều biến thể của công nghệ này như S-IPS (Super-IPS), AS-IPS (Advanced Super IPS), A-TW-IPS (Advanced True White IPS), trong đó S-IPS là phổ biến nhất.
Bạn có thể xem thêm các bài viết về công nghệ và tính năng máy tính bảng: “Máy tính bảng – chọn mặt gửi vàng” (pcworld.com.vn/T1227577); “5 lý do để mua máy tính bảng” (pcworld.com.vn/T1223801); “Màn hình cảm ứng – những khúc biến tấu” (pcworld.com.vn/T1227321); “Cảm ứng đa chạm – ma lực từ những ngón tay” (pcworld.com.vn/T1195333); “Màn hình cảm ứng – đằng sau những cú chạm” (pcworld.com.vn/T1194367); “Màn hình LCD và OLED” (pcworld.com.vn/T1194841).
10 mẫu máy tính bảng nổi bật năm 2011
1. Apple iPad 2
Apple iPad 2 có cải tiến đáng kể so với phiên bản đầu. Màn hình 9,7” chiếm gần hết thân máy. Máy chỉ mỏng 8,8mm (mỏng hơn phiên bản đầu 12mm) và dễ cầm nắm hơn nhờ được vuốt thon các cạnh; nặng 601g, nhẹ hơn một chút so với iPad trước đây. Tuy nhiên, lớp vỏ nhôm phía sau lại dễ trầy.
Trên iPad mới, loa bị che khuất, vì vậy nếu đặt ngửa máy trên mặt phẳng, âm thanh phát ra sẽ nhỏ. iPad 2 chạy hệ điều hành iOS 4.3, trang bị 512MB RAM, bộ xử lý lõi kép A5. Máy cũng được trang bị 2 camera (mặt trước và mặt sau), camera sau có thể quay phim chuẩn HD 720p, tốc độ 30 khung hình/giây. iPad 2 có phiên bản Wi-Fi dung lượng 16GB, 32GB, 64GB, và bản Wi-Fi/3G dung lượng 16GB, 32GB, và 64GB.
2. Sony Tablet S
Tablet S có thiết kế khá nhỏ gọn so với những dòng máy 10,1” chạy Honeycomb. Máy được trang bị bộ vi xử lý lõi kép Terga 2 tốc độ 1GHz với màn hình kích thước 9,4” độ phân giải 1280x800 pixel đem đến chất lượng hình ảnh hiển thị sắc nét. Mặt trước máy được trang bị camera 0,3-megapixel giúp người dùng dễ dàng thực hiện “video call” cùng camera chính 5-megapixel với chế độ quay phim 720p HD.
Điểm nổi bật của Sony Tablet S là “thiết kế gập” với phần sau thân máy dày hơn và được uốn cong tạo cho người dùng cảm giác như đang cầm trên tay một cuốn tạp chí được gấp lại. Nhưng sự đặc biệt không chỉ từ thiết kế lạ mắt mà còn gây ấn tượng mạnh với những đường cong tinh tế và sự kết hợp của 2 màu trắng đen nổi bật. Sony “trình làng” Tablet S với 2 phiên bản: 16GB và 32GB. Tablet S chỉ trang bị Wi-Fi chuẩn b/g/n, không hỗ trợ 3G.
3. Amazon Kindle Fire
Kindle Fire dùng bộ xử lý lõi kép 1,2GHz, màn hình 7”, bộ nhớ RAM 512GB, bộ nhớ trong 8GB, khối lượng khoảng 414g, hỗ trợ kết nối Wi-Fi, không hỗ trợ 3G. Màn hình Kindle Fire có mật độ điểm ảnh 169 pixel/inch. Kindle Fire chạy hệ điều hành Android, giao diện của Amazon, được tích hợp các dịch vụ của Amazon, bao gồm các ứng dụng xây dựng sẵn cho phép người dùng truy cập thư viện âm nhạc, phim ảnh, sách, tạp chí, trò chơi của Amazon.
Kindle Fire được tích hợp công nghệ Amazon Silk, giúp tăng tốc độ truy cập web. Công nghệ này sẽ giúp tải trước nội dung trang web, mà nó dự đoán người dùng sẽ truy cập, lên máy chủ EC2 của Amazon. Và khi người dùng nhấn vào trang nội dung mà Amazon Silk đã dự đoán trước, ngay lập tức nội dung trang web sẽ hiển thị trên màn hình máy tính bảng.
4. Barnes & Noble Nook Tablet
Nook Tablet sử dụng bộ xử lý lõi kép tốc độ 1GHz, bộ nhớ RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB và có khe gắn mở rộng lưu trữ lên 32GB, khối lượng 400g, màn hình 7” hiển thị màu sắc rực rỡ, không gây cảm giác chói nhờ công nghệ hiển thị IPS mang tên VividView của Barnes & Noble, đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách, xem phim và nhiều thứ khác. Dữ liệu của thiết bị này cũng có thể được lưu trữ trên Nook Cloud, dịch vụ điện toán đám mây do Barnes & Noble cung cấp.
Nook Tablet được tối ưu hóa cho việc đọc sách, từ cách hiển thị cho đến truy cập sách của bạn cũng như bày biện các tạp chí định kỳ. Tuy nhiên, Nook Tablet vẫn còn thiếu nhiều tính năng để được gọi là một chiếc máy tính bảng đúng nghĩa. Máy không có khả năng truy cập tới cửa hàng ứng dụng trực tuyến Android Market mà chỉ có thể lấy các ứng dụng cần thiết từ kho ứng dụng của riêng Barnes & Noble.
5. Asus Eee Pad Slider
Asus Eee Pad Slider có thiết kế khá độc đáo, bàn phím trượt vào thân máy. Điều này hữu ích cho những ai thích soạn thảo văn bản trên máy tính bảng - chỉ đơn giản trượt bàn phím ra để nhập liệu.
Thiết bị sử dụng màn hình cảm ứng IPS 10,1”, độ phân giải 1280x800 pixel, trang bị bộ xử lý lõi kép Nvidia Tegra2 1GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB, khối lượng khoảng 960g. Asus Eee Pad Slider chạy hệ điều hành Android Honeycomb. Hiệu năng sử dụng của Slider tương đối tốt. Với sức mạnh của bộ xử lý Nvidia Tegra2, máy xử lý khá tốt các đoạn video 1080p và game Flash trên trình duyệt tích hợp.
6. Samsung Galaxy Tab 10.1
Samsung Galaxy Tab 10.1 có độ dày 8,6 mm so với 8,8 mm của iPad 2, khối lượng 565g (nhẹ hơn iPad 2, 601g). Galaxy Tab 10.1 sử dụng bộ xử lý lõi kép Nvidia Tegra2 1GHz, bộ nhớ RAM 1GB, tích hợp camera 2MP phía trước, camera 3MP phía sau, quay video ở độ phân giải 720p với 30 khung hình/giây. Màn hình 10,1” có độ phân giải 1280x800 pixel. Galaxy Tab 10.1 được cài sẵn HĐH Android 3.1, phiên bản Honeycomb của Google.
7. Lenovo ThinkPad Tablet
ThinkPad Tablet chạy hệ điều hành Android 3.1 Honeycomb, dùng bộ xử lý lõi kép Nvidia Tegra2 1GHz, RAM 1GB, khối lượng khoảng 750g. ThinkPad Tablet có màn hình cảm ứng IPS 10,1”, độ phân giải 1280x800 pixel. ThinkPad Tablet có thể chạy phần mềm Lotus Notes Traveler của IBM, dịch vụ push email. Người dùng có thể ghi chú bằng bút stylus, và chuyển đổi các ghi chú viết tay thành văn bản. Các tính năng khác như cảm ứng chạm cho phép kéo thả dữ liệu từ USB vào bộ nhớ trong máy hay thẻ SD.
8. Toshiba Thrive 7”
Toshiba Thrive 7” có màn hình 7”, độ phân giải 1280x800 cho mật độ điểm ảnh lên tới 225 ppi, dùng bộ xử lý lõi kép Nvidia Tegra2, bộ nhớ RAM 1GB. Máy có khối lượng gần 400g, cảm giác cầm trên tay nhẹ nhàng. Tuy nhiên, Toshiba Thrive 7” không có nhiều cổng kết nối, chỉ được trang bị cổng Micro USB, Micro HDMI và khe gắn thẻ MicroSD.
9. Motorola Xoom
Motorola Xoom dùng bộ xử lý lõi kép Nvidia Tegra2 tốc độ 1GHz, RAM 1GB và bộ nhớ trong 32GB, có thể mở rộng lên gấp đôi qua khe cắm thẻ nhớ MicroSD. Màn hình máy có kích thước 10,1”, độ phân giải 1280x800 pixel, tỉ lệ 16:10 lý tưởng cho việc xem phim. Mặc dù độ phân giải cao, nhưng màn hình vẫn thấy hạt và màu sắc chưa thật chính xác. Chất lượng chơi video cũng chưa thật rõ.
Lớp kính trên màn hình hiển thị tốt trong nhà nhưng rất chói khi ra ngoài. Máy có thiết kế tốt, cổng microUSB và miniHDMI nằm ở đáy, nút nguồn, camera 5.0 megapixel và đèn Flash nằm ở mặt sau trên góc trái; phía trước có thêm một camera.
10. HP TouchPad
HP TouchPad là chiếc máy tính bảng đầu tiên sử dụng nền tảng hệ điều hành di động WebOS, vốn được HP mua lại từ Palm năm 2010. TouchPad trang bị màn hình cảm ứng kích thước 9,7”, độ phân giải 1024x768. Máy nặng khoảng 730g, có camera ở mặt trước hỗ trợ chat có hình. Hệ thống loa âm thanh nổi của máy cho chất lượng tốt.
Tuy được trang bị bộ xử lý lõi kép Qualcomm Snapdragon 1,2GHz nhưng theo một số đánh giá, TouchPad có vẻ chậm khi khởi động và chạy ứng dụng. TouchPad là chiếc máy tính bảng đầu tiên có thể in trực tiếp từ các máy in không dây của HP. Tháng 8/2011, sau khi công bố sẽ chấm dứt phát triển các thiết bị chạy WebOS và xem xét việc chia tách mảng kinh doanh PC, HP đã “bán tháo” TouchPad 16GB với mức giá không tưởng 99 USD (~ 2 triệu đồng).