Đêm pháo hoa Hà Nội
Ảnh pháo hoa chụp ở vị trí gần. Tác giả Hatvung (diễn đàn Nhiepanh.vn), máy Nikon D700. |
Ví trí là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của buổi chụp pháo hoa. Theo anh Nguyễn Việt Hùng, quản trị diễn đàn Nhiepanh.vn, để có bức ảnh ấn tượng, không gì khác là phải tìm hiểu nơi bắn để chọn địa điểm chụp hợp lý và thiết bị phù hợp.
Chuẩn bị cho đêm bắn pháo hoa hoành tráng nhất Việt Nam hôm qua, dân chơi ảnh đã phải đi từ rất sớm. Có người 2 giờ chiều đã có mặt tại sân Mỹ Đình (Hà Nội) để chọn vị trí đẹp đặt chân máy và bố trí khung hình, ngoài ra, đi sớm còn là phương án tối ưu để tránh tắc đường. Với những vị trí gần như trong sân vận động, người chụp cần có ống kính góc rộng hay ống mắt cá cho đặc biệt. Có thể dùng thêm đèn để lấy không khí của người xem.
Ngoài ra, để chụp xa, ví trí tối ưu là tầng thượng các nhà chung cư khu vực Mỹ Đình. Tuy nhiên, để lên được đây, dân chụp ảnh phải xin phép bảo vệ tòa nhà từ rất sớm, thậm chí phải đặt tiền giữ chỗ.
Ảnh chụp bằng máy Pentax K20D, ISO 100, tốc độ từ 3 đến 5 giây, khẩu độ từ f9 đến f11. Tác giả Huymacro (diễn đàn Nhiepanh.vn) |
Chụp ảnh pháo hoa đa phần tốc độ chậm, thấp hơn tốc độ an toàn tối thiểu nên cần phải có chân máy để bức ảnh rõ nét, không bị mờ nhòe.Chuyên nghiệp hơn, để tránh thao tác bấm nút có thể ảnh hưởng làm máy rung thì người chụp phải chuẩn bị cả dây bấm hoặc điều khiển từ xa.
Theo anh Hùng, nếu có vị trí thuận tiện thì nên cài phần mềm lên máy tính để điều khiển chụp trên đó và xem được ảnh ngay để điều chỉnh cho kịp thời.
Ảnh của tác giả Minh Hoang, chụp bằng máy Nikon D3, ống 50mm, chụp từ xa. |
Ảnh trên được chụp bằng máy Canon 5D MarkII, ISO 100, khẩu độ f8 đến f16. Tác giả Achthinh (diễn đàn Nhiepanh.vn). |
Trong các trường hợp dùng chân máy, ISO nên thấp cho chất lượng ảnh tốt (100 hoặc 200), tốc độ thông thường từ 3 đến 10 giây tùy loại pháo hoa bắn ngắn và dài khác nhau. Thậm chí có thể để lâu hơn. Và để tránh dư sáng, khẩu độ thường khép từ f8.0, có thể khép đến f22.
Ảnh trên chụp bằng Nikon D700, khẩu f2.8, ISO 5000, tốc độ từ 1/50 đến 1/1000, không dùng chân máy. Tác giả Hatvung (diễn đàn Nhiepanh.vn). |
Tuy nhiên, không phải ai cũng có chân máy, nhất là những "tay chụp" nghiệp dư. Với trường hợp này, người chụp nên tìm nơi đặt máy cho chắc chắn, như tường, bàn ghế... để máy chắc chắn rồi chụp tốc độ chậm. Ngày nay, với các máy số hiện đại, có thể tăng ISO và mở khẩu lớn để chụp, thế nhưng hiệu ứng chụp tốc độ chậm với chủ đề pháo hoa vẫn thường có nhiều điều thú vị.
Ảnh của tác giả Minh Hoàng. |
Do pháo hoa thường bắn theo đợt với độ cao và ánh sáng khác nhau... nên thời điểm chụp rất quan trọng. Theo anh Việt Hùng, thường là lúc bắt đầu một đợt bắn khi có những tia sáng mới bắn lên không trung. Để chủ động và điều khiển được, anh Hùng cho rằng nên dùng chế độ M và trên máy ở chế độ “bulb”.
Ví dụ ảnh bị hỏng do thừa sáng. |
Đặc biệt, để chống lóe sáng do ánh sáng chui vào khe ngắm khi chụp chế độ chậm, người chụp nên che khe ngắm. Có nhiếp ảnh gia còn dự phòng một gạt đen che trước đầu ống kính trong trường hợp thấy pháo hoa không đẹp hoặc sáng quá có thể làm ảnh hưởng đến bức ảnh.
Tấm gạt che chống lóa cho máy ảnh. Ảnh: Dpreview. |
Thường những đợt bắn đầu tiên ảnh sẽ đẹp vì không bị lẫn khói nên người chụp cần chuẩn bị kỹ càng để ăn chắc những đợt bắn đầu.
Bảo An