Lumia 800 hoạt động mượt mà trên CPU lõi đơn 1,4GHz. Máy có thiết kế sang trọng, chắc chắn, tuy nhiên không thể thay pin và chưa nhiều ứng dụng.
Lumia 800là smartphone đầu tiên của Nokia sử dụng hệ điều hành Windows Phone dành cho di động của Microsoft. Máy được hãng giới thiệu lần đầu tại sự kiện Nokia World diễn ra vào tháng 10/2011.
Model thừa hưởng thiết kế độc đáo của mẫu Nokia N9, với thân nguyên khối được làm từ chất liệu polycarbonate. Máy trang bị bộ xử lý đơn nhân tốc độ 1,4GHz, 512MB RAM, camera 8 Megapixel quay phim 720p. Màn hình ClearBack AMOLED 3,7 inch, độ phân giải 480 x 800 pixel, được bảo vệ bằng kính cường lực chống trầy xước Gorilla.
Đánh giá chung.
Ưu điểm |
- Thiết kế đẹp, sang trọng, cầm chắc tay. |
- Màn hình hiển thị sắc nét. |
- Nghe nhạc và chụp hình tốt. |
- Hoạt động mượt mà. |
Nhược điểm |
- Máy nóng khi hoạt động liên tục. |
- Chưa nhiều ứng dụng. |
- Bộ gõ tiếng Việt hạn chế |
- Không thể thay pin. |
Đánh giá chi tiết từng phần.
Thiết kế và màn hình.
Sản phẩm thừa hưởng cấu trúc và kiểu dáng thân nguyên khối của Nokia N9, mẫu smartphone sử dụng hệ điều hành MeeGo.
Thân máy được làm bằng chất liệu polycarbonate màu, không phải sơn hay mạ. Điều này có nghĩa nếu người dùng vô ý để trớt vỏ máy, thì vết trớt vẫn cùng màu với vỏ máy dù có sâu đến mức nào. Lợi thế này giúp các vết xước trở nên khó thấy hơn, không tạo cảm giác cũ vỏ máy sau thời gian dài sử dụng. Polycarbonate sần làm vỏ máy có khả năng chống trầy và chống bám vân tay hay bụi khá tốt.
Lần lượt cặp phím âm lượng, phím nguồn và phím chụp ảnh. |
Trong khi đó, phía cạnh trái không có phím nào. |
Với độ dày thân 12,1mm, cao 116,5 và rộng 61,2mm, Lumia 800 khá mập mạp, cảm giác cầm trong tay vừa vặn. Cân nặng 142 gram khiến máy trở nên đầm tay hơn một số thiết bị vừa mỏng vừa nhẹ như hiện nay. Thiết kế liền khối giúp máy chắc chắn. Cách duy nhất để mở thân máy là tháo chốt để tách rời màn hình của máy ra khỏi thân. Các góc máy được bo tròn mềm mại, giúp máy không có vẻ thô ráp hay quá khô cứng.
Màn hình công nghệ ClearBack AMOLED rộng 3,7 inch, độ phân giải 480 x 800 pixel, hơi nổi lên so với toàn bộ thân máy, với các đường cong ở viền, trông khá bóng bẩy. Khả năng hiển thị của màn hình tốt, màu sắc trung thực và rõ ràng. Trong môi trường không ánh nắng, góc nhìn màn hình có thể đạt gần 180 độ. Ngoài trời nắng trực tiếp, các tấm phân cực chống lóa tỏ rõ hiệu quả khi giữ độ hiển thị ổn định, mọi chi tiết vẫn rõ ràng và đầy đủ màu sắc, dù góc nhìn có giảm đi đôi chút nếu so với điều kiện không nắng.
Màn hình 3,7 inch. |
Màn hình khá nhỏ, nhưng hai bên viền máy khá mỏng, tạo cảm giác màn hình lớn hơn so với thực tế. So với màn hình của Nokia N9, Lumia 800 "thiệt thòi" hơn khi phải chứa bộ ba phím Back, Home và Search của Windows Phone. Phía trên cùng của màn hình là tên thương hiệu Nokia, lùi sang phía bên phải là đèn cảm biến, ẩn cùng màu đen của màn.
Nokia "chăm chút" cho Lumia 800 với kính cường lực chống xước Gorilla. Tuy phát huy tốt ưu điểm, nhưng lớp kính này khá bám vân tay.
Phần dưới màn hình của Lumia 800 (xanh) có bộ 3 phím cảm ứng của Windows Phone, không camera phụ, trong khi Nokia N9 có camera phụ nhưng không có phím. |
Cạnh bên của N9 không có phím chụp ảnh. |
Một đặc điểm khác, tuy chưa thể gọi là điểm yếu của máy, nhưng cũng không thể bỏ qua là cấu trúc PenTile sử dụng trên màn hình Lumia 800. Hiện nay cấu trúc này được áp dụng trên hầu hết điện thoại cao cấp, nhưng trong tương lai có xu hướng bị thay thế bởi cấu trúc ma trận RGB. Trên màn hình PenTile, mỗi pixel sẽ được phụ trợ bằng 2 pixel kế bên, và khi nhìn cận cảnh sẽ thấy rõ màn hiển thị bị rỗ. Tuy nhiên, với độ phân giải 480 x 800 pixel và rộng 3,7 inch, mật độ pixel đạt 251 điểm ppi, không phải ai cũng có thể nhìn thấy điểm chưa tốt này bằng mắt thường.
Nắp che cổng micro USB và khe gắn thẻ sim. |
Phần đỉnh máy gồm giắc cắm tai nghe 3,5mm, một nắp đậy cổng microUSB, người dùng chỉ cần nhấn vào phần bên trái của nắp này để mở. Sau khi mở nắp USB mới có thể trượt khay chứa thẻ micro sim để lắp. Ở phía đối xứng, cạnh đáy bao gồm một lưới loa nằm giữa mà không thấy micro thoại ở đâu, có thể đã được giấu lẫn vào một trong các ô lưới ở cạnh này.
Trong khi phần bên trái của máy hoàn toàn trống trơn, thì cạnh phải lại dày đặc hơn với cặp phím âm lượng, phím nguồn kiêm chức năng khóa/mở màn hình, cách ra một khoảng là phím truy cập ứng dụng chụp ảnh. Vị trí của phím được tính toán phù hợp, khiến cảm giác khi cầm máy để chụp hay quay video giống như trên một máy ảnh compact thông thường.
Dãy phím cứng ở hông bên phải nổi lên so với thân máy, dễ bấm và phản ứng nhạy với thao tác. Riêng phím chụp ảnh cao hơn so với ba phím còn lại ở phía trên. Bộ ba phím cảm ứng ở cuối màn hình tương tác tốt, rất nhạy. Mỗi khi sử dụng máy, những phím này cũng sáng lên với ánh sáng trắng nhẹ, nhưng rõ ràng nên người dùng không phải lo lắng khi dùng máy trong điều kiện trời tối.
Bộ 3 phím cảm ứng đặc trưng của Windows Phone. |
Nhờ có phím cứng để chụp ảnh này, cùng với thiết kế từ nền tảng Windows Phone, người dùng Lumia 800 có thể kích hoạt nhanh chức năng chụp ảnh mà không cần mở màn hình, chỉ bằng cách nhấn giữ phím chụp. Thao tác này giúp những ai yêu thích lưu giữ những khoảnh khắc bất ngờ không bỏ lỡ sự kiện.
Mặt sau của máy khá đơn giản, với một dài kim loại dài khoảng 3cm, tròn 2 đầu. Phía trên miếng kim loại là tên Nokia, cùng với tên ống kính Carl Zeiss Tessar và camera 8 Megapixel. Cặp đèn flash được đặt ngay sát. Thiết kế camera lùi khá sâu xuống dưới thân máy tránh việc vô tình để ngón tay che mất ống kính.
Thân liền khối, mặt sau không có nắp lưng. |
Do thiết kế nguyên khối nên việc thay pin cho Lumia 800 người dùng không thể tự thực hiện, khá bất tiện. Đây được xem như điểm yếu lớn nhất về mặt thiết kế của sản phẩm. Pin theo máy dung lượng 1.450mAh, cho khả năng chờ trên mạng 2G được 265 giờ, theo Nokia.
Giao diện Metro UI và tính năng của Windows Phone.
Phần chat trên mạng xã hội được tích hợp vào với mục Tin nhắn. |
Mặc dù có thông tin Nokia được Microsoft cấp phép để can thiệt và sửa đổi giao diện của Windows Phone trên các sản phẩm của mình, nhưng với Lumia 800, không có sự khác biệt nào xảy ra. Máy vẫn sử dụng Metro với các ô biểu tượng vuông hoặc chữ nhật ở ngoài màn hình chính, giao diện Menu được xếp theo hàng dọc và không có lựa chọn khác.
Màn hình khóa mặc định của máy đơn giản, hiện thị các thông tin như ngày, giờ, các thông báo mới (mail, tin nhắn, cuộc gọi nhỡ...). Lumia 800 chỉ có lựa chọn kéo màn hình lên để mở khóa, không nhiều như Android.
Giao diện của Windows Phone khá đơn giản, không quá sặc sỡ, nhưng lại hết sức hiệu quả. Mặc dù sở hữu bộ xử lý đơn nhân, nhưng Lumia 800 hoạt động mượt mà, không hề có hiện tượng trễ hoặc giật. Không chỉ nhẹ nhàng, hiệu ứng chuyển màn hình và khi chọn ứng dụng cũng đẹp mắt. Do trình bày theo hàng dọc và chỉ có hai màn hình chính là Home và Menu nên dù là người lần đầu dùng Windows Phone cũng không gặp khó khăn khi làm quen với máy.
Pictures Hub, một trong những Hub đặc trưng trên Windows Phone. |
Khác với các nền tảng khác như iOS hay Android khi các ứng dụng và tính năng tương tự nhau bị chia ra thành những chương trình nhỏ, Windows Phone Mango gói các nhóm ứng dụng này lại thành từng Hub riêng biệt. Ví dụ, Hub Hình ảnh sẽ bao gồm ảnh chụp từ camera, ảnh lưu trên máy, các album ảnh tải về từ mạng xã hội... Hay như Hub Media gồm ứng dụng nghe nhạc, xem phim, podcasts, đài radio... cùng với đó là khả năng cập nhật thời gian thực thông tin cho từng Hub riêng biệt. Phần thông tin trong các Hub sẽ được chia theo danh sách ứng dụng chưa bên trong, hoặc bằng các trang kế cận nhau, mở chỉ bằng thao tác trượt ngón tay sang bên trái hoặc phải của máy.
Windows Phone vẫn chưa có bộ gõ tiếng Việt tích hợp, người dùng phải sử dụng ứng dụng riêng. |
Một trong những ưu điểm của Windows Phone (có trên Lumia 800) là sự tích hợp sâu mạng xã hội vào trong nền tảng. Nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng chia sẻ và truy cập các trang như Facebook, Twitter... mà không cần cài ứng dụng thứ ba. Đây là điều mà các hệ điều hành khác đến thời điểm này vẫn chưa làm được. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn tồn tại yếu điểm là khả năng cập nhật khá chậm, thường độ trễ khi có thông báo mới so với máy tính khoảng 15 phút, trừ phi người dùng trực tiếp kiểm tra bằng cách vào Hub để xem thông tin.
Là "con chung" đầu tiên giữa Nokia và Microsoft, Lumia 800 dùng Windows Phone nên được ưu ái với bộ ứng dụng Office đầy đủ tính năng như trên máy tính. Không chỉ tính năng, mà các chương trình tại đây được hiển thị giống hệt trên hệ điều hành Windows dành cho máy tính, và tương thích hoàn toàn với nhau. Người dùng có thể chỉnh sửa nội dung trên giao diện dạng ô quen thuộc của Excel hay các slide của PowerPoint.
Như thường lệ, Nokia luôn cài sẵn bộ ứng dụng bản đồ lên các sản phẩm của mình. Trên Lumia 800, có 2 ứng dụng chính là Nokia Maps và Nokia Drive. Nếu so với Bing Map của Windows Phone, có thể khẳng định ứng dụng bản đồ của Nokia trội hơn hẳn, ít nhất tại thị trường Việt Nam. Nhưng đối với phần mềm gMaps của Google, chi tiết và các tùy chọn vẫn chưa thực sự tốt, có thể bởi Google có kinh nghiệm hơn Nokia trong lĩnh vực này.
Google Maps (trái) và Nokia Maps. |
Ứng dụng dành cho Windows Phone không thể nói là ít, không đủ dùng ở thời điểm này. Hiện nay, Marketplace đã có trên 70.000 chương trình và không ngừng tăng lên. Vấn đề nằm ở chỗ, phần lớn trong số này là các ứng dụng trả phí, với mức giá khá cao so với thu nhập tại Việt Nam. Ngoài ra, Microsoft cũng chưa hỗ trợ thị trường Việt Nam có thể mua được. Số ứng dụng miễn phí vẫn chưa thực sự hấp dẫn, không như Android với hàng loạt phần mềm không trả phí.
Rắc rối trên có thể được "khắc phục" bằng cách jailbreak máy (như iOS hay root trên Android) nhằm cài thêm chương trình ngoài Marketplace. Tuy nhiên ở thời điểm này, Lumia 800 vẫn chưa thể jailbreak được. Khi việc này thành công, người dùng Lumia 800 có thể trải nghiệm những tựa game hàng đầu trên các hệ điều hành khác như Angry Birds, Ninja Fruits, Asphalt 6...
Màn hình hiển thị tốt ngoài trời nắng. |
Windows Phone Mango vẫn tồn tại những giới hạn như không cho phép xử lý file từ máy tính sang máy hoặc ngược lại một cách trực tiếp, mà bắt buộc thông qua phần mềm Zune cài trên máy tính, Bluetooth chưa cho phép chuyển dữ liệu giữa các máy với nhau, mà chỉ kết nối với thiết bị ngoại vi như tai nghe, loa có Bluetooth. Để gõ tiếng Việt trên Windows Phone, người dùng có thể cài ứng dụng bộ gõ riêng, sau đó đoạn văn bản tự động được copy lại, và có thể dán lên các ứng dụng khác như danh bạ, tin nhắn, email, Facebook...
Trong khi đó, bộ gõ tiếng Việt tích hợp trên máy khá đơn giản. Người dùng phải mở riêng Viet Keyboard (ứng dụng do Nokia viết riêng), gõ các đoạn bằng Telex và VNI, sau đó copy tự động vào mạng xã hội, trình duyệt hay tin nhắn thông qua các chia sẻ bên dưới.
Lumia 800 đặt cạnh Nokia N9 (màu đen). |
Khả năng đa nhiệm của Mango cũng chưa thể gọi là tốt. Khi các ứng dụng được mở quá nhiều, máy sẽ tự động tắt các chương trình được mở đầu tiên, nhằm đảm bảo khả năng hoạt động trơn mượt của hệ điều hành. Đây cũng là điểm tốt để tránh hao pin máy và tối ưu tác vụ, tuy nhiên, những chương trình nào đã "lỡ" bị máy đóng mất thì phải mở lại từ đầu. Để kiểm tra các cửa sổ đang chạy, người dùng giữ phím mũi tên Back, giao diện đa nhiệm trông khá giống với Symbian Belle hay Card của webOS.
Microsoft đã đi theo con đường của Apple khi tạo ra Windows Phone mà không hỗ trợ flash cho trình duyệt. Người dùng không thể xem trực tiếp các đoạn video ngay trên trang web. Lumia 800, cũng như những smartphone Windows Phone khác không có ứng dụng YouTube "thật". Thực tế, ứng dụng này trên Marketplace chỉ là một trang dẫn vào địa chỉ YouTube dành cho di động.
Giải trí và kết nối
Nokia Lumia 800 trang bị camera 8 Megapixel, đèn flash kép, khả năng quay video HD 720p, thấu kính quang học Carl Zeiss thường thấy trên các smartphone của Nokia, góc rộng 28mm, khẩu f/2.2 và không camera phụ phía trước. Người dùng có thể lựa chọn ảnh tỷ lệ 4:3 với 8 Megapixel hoặc 16:9 với 7 Megapixel.
Giao diện chụp ảnh đơn giản, không có phím chụp trên màn hình, nhưng nếu vào phần Setting, người dùng có thể tìm thấy khá nhiều lựa chọn khác nhau. Camera của Lumia 800 có khả năng tự động lấy nét bằng cách giữ nhẹ phím cứng chụp ảnh (lấy nét vào giữa khung hình), hoặc người dùng có thể chạm nhẹ lên màn hình để lựa chọn điểm lấy nét (máy sẽ tự chụp sau khi bắt hình). Do kích cỡ và trọng lượng khá vừa tay, cộng với vị trí phím bấm hợp lý nên dù cầm ngang nhưng ít khi xảy ra hiện tượng chụp rung.
Chất lượng ảnh trong điều kiện đủ sáng tốt, các khu vực màu và chi tiết ảnh được hiển thị đầy đủ, khả năng cân bằng sáng và thể hiện màu đầy đủ. Tuy nhiên, nếu zoom lên hết cỡ có thể thấy ảnh bị nhiễu màu nhẹ (không ảnh hưởng lớn đến chất lượng ảnh thực tế). Trong điều kiện thiếu sáng, Lumia 800 chụp cũng không quá tệ, nhiễu chi tiết không nhiều, nhưng khả năng lấy nét có kém đi đôi chút. Camera của máy không có chức năng nhận diện khuôn mặt, nhưng khả năng bắt hình nhanh.
Loa ngoài "độc chiếm" cạnh đáy. |
Một điểm đáng lưu ý trên 800 là vùng màu hồng rất lớn ở giữa màn hình khi chuẩn bị chụp ảnh (thấy rõ hơn khi hướng về các vùng với nền trắng), tuy nhiên sẽ biến mất sau khi chụp. Ảnh khi căn chỉnh trước khi chụp màu sắc rất thực, nhưng sau khi chụp, sẽ có cảm giác được "đổ" một lớp màu khác hơi xanh lên toàn bộ ảnh. Ứng dụng chụp ảnh có lựa chọn Auto-fix để cải thiện chất lượng, nhưng đây là "cái bẫy" bởi nếu sử dụng, ảnh sẽ bị rỗ trắng và nhiễu, tính trung thực của ảnh giảm rõ rệt.
Chất lượng và âm thanh khi quay video trên Lumia 800 khá ổn định, không có hiện tượng méo khi lia khung hình và tiếng được thu vào đầy đủ. Khi quay, máy sẽ liên tục lấy nét để đảm bảo chất lượng quay tốt nhất, nhưng người dùng sẽ không có lựa chọn khóa nét vào một điểm cố định.
Giao diện nghe nhạc đơn giản, chất lượng âm thanh khá tốt. |
Cũng giống như giao diện của đa số ứng dụng trên Windows Phone, phần nghe nhạc của máy cũng được thiết kế khá đơn giản. Tuy nhiên, thiếu hụt tùy chỉnh rất quan trọng là Equalizer. Bù lại, các kỹ sư của Nokia đã tạo nên Lumia 800 với chất lượng âm thanh rất tốt. Loa ngoài của máy khi nghe nhạc ở môi trường bình thường cho âm khá to, rõ ràng và đầy đủ bass, treble. Chất lượng âm nhạc qua tai nghe kèm theo máy cũng rất tốt. Chi tiết nhạc rõ, trong, ấm và thể hiện nhịp tốt.
Lumia 800 và iPhone 4. |
Thừa hưởng chất lượng phần cứng và khả năng bắt sóng khỏe, ổn định do Nokia sản xuất, Lumia 800 chứng tỏ sức mạnh và tốc độ của mình khi kết nối. Dù trong các khu vực sóng điện thoại thường kém, máy chưa một lần mất sóng, thậm chí chất lượng cuộc gọi vẫn tốt, không có hiện tượng bị chập chờn. Kết nối với Wi-Fi cũng là điểm ưu của thiết bị đến từ Nokia. Với lần đầu nhận sóng, máy vẫn "bắt" khá nhanh, các lần sau nếu người dùng để Wi-Fi mở thì Lumia 800 sẽ tự động kết nối, và tốc độ gần như tức thì sau khi nhận được tín hiệu.
Sử dụng máy trong thời gian dài liên tục sẽ làm lộ diện điểm yếu của Lumia 800. Máy nóng lên khá nhanh, cùng với nhiệt độ cao và cảm nhận rõ rệt, tuy chỉ lướt web hoặc chơi game trong vòng chưa đến 15 phút, nhiệt tập trung chủ yếu ở phần đầu thiết bị, quanh khu vực camera. Quá trình sạc bình thường không có hiện tượng trên.
Nếu dùng ít, thời gian sử dụng có thể lên đến hai ngày. |
Pin của Lumia 800 đã từng là chủ đề khá được quan tâm, bởi thiết bị lỗi pin ngay từ khi ra mắt. Trước đây, pin của máy dùng chưa được một ngày với mức sử dụng bình thường, để qua đêm có thể mất tới 15% pin. Tuy nhiên, Nokia đã nhanh chóng tung ra bản vá lỗi, khắc phục đáng kể điểm yếu trên, cải thiện mức sử dụng được khoảng 30%. Đặc biệt với mức sử dụng ít, máy hoạt động được tới 2 ngày.
Nokia hợp tác với Monster để sản xuất tai nghe dành riêng cho dòng Lumia. |
Qua thực tế sử dụng, pin của máy có thể "trụ" được qua một ngày với mức sử dụng cao: hai địa chỉ mail push liên tục, mạng 3G mở, ứng dụng Facebook, thời tiết, Whatsapp nhờ đó cũng liên tục cập nhật, tính năng định vị cũng không tắt, màn hình ở chế độ sáng nhất, Bluetooth kết nối với tai nghe, lướt web khoảng 30 phút đến một giờ, nhắn tin khá nhiều, chụp ảnh...