Kiểu dáng hiện đại, khả năng sử dụng tốt cùng mức giá hấp dẫn hơn 3 triệu đồng là những điều khen ngợi ở smartphone Android phổ thông LG Optimus L3.
LG Optimus L3 có đầy đủ các tính năng của một chiếc smartphone Android, hỗ trợ nhiều kết nối. Ảnh: Tuấn Anh. |
Optimus L series là dòng smartphone chạy Android được LG công bố tại sự kiện MWC 2012 diễn ra hồi đầu năm. Trong đó L3 là model nhỏ và được cho là sản phẩm kế thừa model Optimus Me P350 (3,9 triệu đồng) của năm ngoái nhưng có giá bán tốt hơn nhiều. Với giá niêm yết gần 3,2 triệu đồng, smartphone L3 của LG có giá tốt hơn Galaxy Y.
L3 được trang bị cấu hình phổ thông chạy Android 2.3.6 Gingerbread với màn hình cảm ứng đa điểm 3,2 inch, độ phân giải 320 x 240 pixel. Máy có vi xử lý đơn nhân tốc độ 800MHz, RAM 384MB và bộ nhớ trong 1GB, hỗ trợ thẻ nhớ microSD lên đến 32GB. Máy ảnh độ phân giải 3.0 Megapixel nằm ở lưng máy và không có camera phụ ở mặt trước.
Dưới đây là một số tổng hợp, đánh giá chi tiết về model này (nhấp vào từng phần để xem chi tiết).
Phần 1: Thiết kế
Kiểu dáng là ưu điểm và là nét hấp dẫn ở chiếc smartphone mới của LG nếu so với những người tiền nhiệm như Optimus Me, Optimus One hay các model đối thủ như Galaxy Pocket hay Galaxy Y. LG Optimus L3 là chiếc smartphone cỡ nhỏ có kiểu dáng đẹp mắt, nhờ vào việc thừa hưởng những đuờng nét thiết kế hiện đại theo triết lý thiết kế L Style mới nhất của LG.
LG Optimus L3 là chiếc smartphone giá rẻ của kiểu dáng đẹp. Ảnh: Tuấn Anh |
Bên cạnh màn hình là phím Home chữ nhật cùng hai phím cảm ứng. Ảnh: Tuấn Anh |
LG Optimus L3 sở hữu kiểu dáng vuông vắn, bốn cạnh viền của máy được bao quanh bởi lớp kim loại sáng màu, nổi bật so với tông màu đen của cả máy. Thiết kế này giúp cho LG Optimus L3 đẹp, bắt mắt hơn nếu so với những model nhỏ gọn khác trong cùng tầm tiền. Bên cạnh đó bộ khung viền kim loại cũng giúp cho máy trở nên chắc chắn và cứng cáp hơn nhiều khi cầm trên tay. Đây là điều không phải mẫu Android giá phổ thông nào cũng có được.
Mặt trước của LG Optimus L3 là màn hình cảm ứng đa điểm với phím Home dạng cứng nằm bên dưới cùng hai nút Menu và Back có dạng cảm ứng. Phía trên là loa thoại cùng logo và không có camera phụ cũng như đèn LED thông báo. Về cơ bản, máy khá cân đối và thích hợp trong việc cầm cũng như điều khiển các thao tác trên màn hình cảm ứng.
Bao quanh viền máy là một khung vỏ chắc chắn. Ảnh: Tuấn Anh |
Giắc tai nghe và phím nguồn ở đỉnh máy. Nắp lưng của máy gồ lên một chút so với viền tạo cảm giác như đây là loa ngoài của máy. |
Cổng microUSB được đặt ở cạnh dưới cùng. |
Ở hai bên viền máy LG cũng không đặt nhiều chi tiết mà thay vào đó, cạnh bên phải chỉ có phím tăng giảm âm lượng dẹt màu đen, kiểu đơn giản. Cạnh bên trái thì không có bất kỳ phím bấm nào trong khi đỉnh máy là nơi đặt giắc tai nghe và nút nguồn. Cổng microUSB để kết nối và sạc pin đặt ở phía đuôi máy.
Mặt sau là lớp vỏ nhựa với thiết kế khá cấu kỳ, chia thành nhiều chi tiết khác nhau chứ không đơn giản như các smartphone giá rẻ khác. Ảnh: Tuấn Anh |
Mặt sau là một điểm đáng khen nữa trong thiết kế của LG Optimus L3. Sử dụng chất liệu nhựa với lớp vân nổi hiện đại mang đến cảm giác chắc tay và cứng cáp . cũng như làm tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Camera 3 Megapixel thiết kế khá chăm chút với một dải kim loại xước bao quanh dù không có đèn Flash trợ sáng đi kèm.
LG Optimus L3 sở hữu màn hình 3,2 inch, một kích thước đủ rộng để người dùng có thể thao tác khá thoải mái với màn hình cảm ứng đa điểm, duyệt web hay xem phim... Tuy nhiên bất lợi ở mẫu Android của LG là độ phân giải thấp chỉ đạt 240 x 320 pixel và khả năng hiển thị 265.000 màu nên hình ảnh thể hiện không được sắc nét khi nhìn gần, màu sắc cũng không thực sự sống động. Tuy nhiên khi duyệt web, đọc văn bản thì khả năng hiển thị thực tế của L3 là khá tốt.
Phần 2: Tính năng
Với hệ điều hành Android 2.3, LG Optimus L3 sở hữu đầy đủ các tính năng từ giải trí tới công việc. Kho ứng dụng Android Market và LG Smart World độc quyền cung cấp cho người dùng hàng trăm nghin phần mềm khác nhau và phần lớn trong đó là miễn phí. Nằm trong dòng smartphone có giá phổ thông, trên dưới 3 triệu đồng, nhưng di động của LG vẫn được trang bị đầy đủ các kết nối.
Với 3G và Wi-Fi, Optimus L3 có tốc độ duyệt web khá nhanh. Ảnh: Tuấn Anh. |
Model được trang bị kết nối 3,5G với chuẩn HSDPA cho tốc độ tải 3,6 Mb mỗi giây, đi kèm với Wi-Fi. Thử nghiệm thực tế cho thấy khả năng kết nối Internet của Optimus L3 là khá tốt, thời gian để tải về một trang web Số Hoá dưới dạng chuẩn mất khoảng 8 - 9 giây để hoàn thành, nhưng ở giao diện mobile thì khá nhanh, chỉ mất từ 2 đến 3 giây để tải về. Chiếc smartphone phổ thông này của LG cũng sở hữu cả tính năng phát Wi-Fi di động (Wi-Fi Hospot), cũng như kết nối Bluetooth thông dụng.
Theo như truyền thống, Optimus L3 được trang bị giao diện đồ hoạ Optimus UI, đã thay đổi và tuỳ biến lại so với giao diện gốc của Android 2.3, nhờ vậy đem lại cho người dùng các biểu tượng lớn và màu sắc hơn, tiện dụng hơn. LG cũng bổ sung thêm các Widget mới cho phép người dùng truy cập và theo dõi thông tin nhanh ngay ngoài màn hình chủ của máy.
Phần mềm hát Karaoke trên LG Optimus L3. Ảnh: Tuấn Anh. |
Giống như các đàn anh, LG Optimus L3 được tích hợp ứng dụng liên kết các mạng xã hội, bản đồ trực tuyến Google Maps, kho video trực tuyến YouTube cùng các ứng dụng quản lý thư điện tử, phục vụ cho công việc. Tuy nhiên một điểm thú vị nhất là model này còn được LG tặng kèm thêm một ứng dụng hát Karaoke ngay trên di động có tên Ping Karaoke. Đây là phần mềm thuần Việt, cung cấp cho người dùng những tính năng giải trí bằng việc ca hát ngay trên điện thoại di động.
Ping Karaoke thiết kế đơn giản nhưng khá hữu ích khi cho phép thu âm trực tiếp các bài hát lại vào thẻ nhớ của máy. Bên cạnh đó kho nhạc được sắp xếp rành mạch theo từng dòng nhạc bao gồm cả Việt Nam lẫn quốc tế, có chất lượng tốt và cách thức phát nhạc tương tự như các dịch vụ hát Karaoke trên máy tính là một điểm khiến cho ứng dụng này hấp dẫn người dùng.
Bên cạnh đó LG Optimus L3 cũng được trang bị các tính năng giải trí thông thường như nghe nhạc, xem phim hay chụp hình với bộ nhớ trong 1GB và khe cắm thẻ nhớ mở rộng lên tới 32GB. Máy ảnh nằm ở mặt lưng của LG Optimus L3 có độ phân giải 3 Megapixel, tuy nhiên máy lại không có đèn Flash đi kèm.
Camera có tốc độ khởi động và bắt hình khá nhanh, tích hợp các chế độ chụp như "chân dung", "phong cảnh" "hay thể thao"..., có chế độ tự động lấy nét. Tuy nhiên việc không có đèn Flash và màn hình độ phân giải thấp, hỗ trợ ít màu khiến cho các bức hình hiển thị trên điện thoại không rực rỡ và đẹp mắt dù độ nét và khả năng khử nhiễu chấp nhận được so với tầm tiền.
Ảnh chụp ở điều kiện ngoài trời. (Độc giả bấm vào hình để xem ảnh kích thước lớn). |
Bên cạnh đó tính năng quay phim trên LG Optimus L3 với độ phân giải thấp nên cũng không để lại nhiều ấn tượng. Video thu về có độ phân giải thực tế là 640 x 480 pixel với tốc độ 24 khung hình mỗi giây.
Phần 3: Hiệu năng và thời lượng pin
Với mức giá hơn 3 triệu, LG Optimus L3 được trang bị cấu hình phổ thông sử dụng vi xử lý 800MHz, bộ nhớ RAM 384MB. Thử nghiệm với Quadrant Standard Benchmark cho kết quả gần 1.300 điểm.
Điểm đánh giá hiệu năng qua Quadrant Benchmark Standard. Ảnh: Tuấn Anh. |
Thực tế LG Optimus L3 là smartphone phổ thông có khả năng hoạt động khá ổn so với giá tiền. Ở màn hình chủ hay giao diện quản lý hệ thống, khi người dùng kéo và lướt tay thì máy cũng không bị giật mà thể hiện khá mượt mà các hiệu ứng chuyển. Khi lướt web hay nhập liệu, truy cập vào các ứng dụng thứ ba, máy có thời gian phản hồi nhanh, độ trễ thấp và hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Hạn chế về cấu hình của máy là trong việc chơi game khi hầu hết các game 2D như Angry Bird, Plant vs Zombie đều có thể xử lý tốt nhưng với các game có đồ hoạ 3D cao cấp như Mordern Combat, Asphalt 6, L3 chắc chắn phải bó tay. Thử nghiệm với game 3D có đồ hoạ trung bình như Fruit Ninja, model giá rẻ của LG hoạt động tương đối ổn, hình ảnh thể hiện mượt và hầu như không bị giật. Nếu như lựa chọn các phần mềm phù hợp, LG Optimus L3 là chiếc Android có cấu hình đáp ứng nhu cầu sử dụng tốt so với giá bán.
Máy có thời lượng pin sử dụng thoải mái. Ảnh: Tuấn Anh. |
Với màn hình nhỏ, độ phân giải không cao và cấu hình sử dụng cấu hình phổ thông nhưng có pin dung lượng 1.540 mAh nên thời gian hoạt động của LG Optimus L3 khá thoải mái nếu so với nhiều mẫu smartphone Android khác. Để máy ở chế độ 3G, bật các tính năng đồng bộ dữ liệu mail, liên kết mạng xã hội, di động của LG cho phép người dùng hoạt động liên tụng trong vòng 1 ngày. Chuyển sang chế độ kết nối EDGE, thời lượng pin tiếp tục tăng lên và cho phép người dùng có thể hoạt động được trong 2 ngày liền.
Một số đối thủ của LG Optimus L3
Samsung Galaxy Pocket với màn hình 2,8 inch và giá bán 2,8 triệu đồng. Ảnh: Quốc Huy. |
Samsung Galaxy Y với màn hình 3 inch là đối thủ của LG Optimus L3. Ảnh: Quốc Huy. |
HP Veer 4G, chiếc smartphone cảm ứng với bàn phím trượt giá rẻ, chạy Web OS. Ảnh: Tuấn Anh |
Xperia X8 là chiếc smartphone giá rẻ chạy Android của Sony Ericsson. Ảnh: GSMArena. |
Đánh giá chung.
Ưu điểm |
- Thiết kế vuông hiện đại, chắc chắn - Hoạt động khá mượt, cấu hình ổn so với giá bán - Hỗ trợ đầy đủ các kết nối như WiFi chuẩn n, Bluetooth 3.0, A-GPS - Tặng kèm ứng dụng hát Karaoke trên di động - Giá tốt |
Nhược điểm |
- Màn hình độ phân giải thấp, hỗ trợ ít màu - Camera 3 Megapixel cho chất lượng ảnh trung bình, không có đèn Flash |