Chụp Multiple Exposure với Canon 5D Mark III
Cơ bản, Double Exposure hay Multiple Exposure là một kỹ thuật nhiếp ảnh chỉ sự xếp chồng hai hoặc nhiều hình khác nhau tạo thành một ảnh duy nhất, nhằm tạo ra những hiệu ứng huyền ảo đặc biệt. Kỹ thuật này thực tế đã được ứng dụng từ thời nhiếp ảnh sử dụng phim với một số mẫu máy ảnh hỗ trợ tính năng này một cách thủ công.
Ảnh chụp sử dụng tính năng Multiple Exposure trên máy Canon 5D Mark III của nhiếp ảnh gia Denise Ippolito. Ảnh: Ephotozine. |
Nếu như trước đây, để ứng dụng kỹ thuật chụp chồng hình này, bạn phải phơi sáng nhiều lần trên cùng một tấm phim 35 mm; thì ngày nay, người dùng có thể sử dụng phần mềm trên máy tính (Photoshop) hay sử dụng ngay chính tính năng Multiple Exposure được tích hợp sẵn trong một số dòng máy ảnh DSLR. Trên thị trường máy ảnh DSLR hiện nay, hầu hết các model của Nikon, một vài model của Olympus (E-30, IS-3 DLX, E-620, Pen E-PL1), một số mẫu của Pentax (K30, K5, K5 II, K5 I IS, K-r, Pentax Q vàPentax Q10); cùng 2 model khác của Canon (EOS-1D X và EOS 5D Mark III) được tích hợp sẵn tính năng chụp chồng hình này. Kỹ thuật này cơ bản gần như giống nhau trên mọi máy ảnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tùy vào từng model máy cụ thể mà số lần chụp ảnh tối đa có thể khác nhau (ví dụ Canon 5D Mark III cho phép chồng từ 2 đến 9 ảnh).
Sau đây là cách ứng dụng kỹ thuật Multiple Exposure để lồng ghép 4 ảnh khác nhau bằng máy Canon 5D Mark III:
Trước hết, để kích hoạt tính năng Multiple Exposure, bạn nhấn nút Menu để truy cập menu điều khiển máy. Ở biểu tượng hình camera đầu tiên trong hệ thống menu này, hãy di chuyển xuống phía dưới và chọn mục “Multiple Exposure”. Lúc này, sẽ có 2 lựa chọn khác nhau là “ON function/control” và “ON continuous”. Với tùy chọn “ON continuous”, bạn sẽ không thể xem lại hay lưu chuỗi ảnh chụp liên tục thành từng ảnh độc lập trên máy. Nếu chọn tùy chọn “ON function/control” máy sẽ lưu thành từng ảnh độc lập (có thể xem lại) trước khi xếp chồng chúng lại thành một.
Chọn chế độ "On:Func/Ctrl" trong trường hợp cần xem và lưu ảnh thành những file độc lập trước khi xếp chồng chúng lại với nhau. Ảnh: Canon. |
Ở đây, do số lượng ảnh cần lồng ghép ít (4 ảnh) nên tùy chọn “ON function/control” sẽ được lựa chọn. Cũng trong tùy chọn này, sẽ có thêm một loạt các tùy chọn con khác như “Additive, Average, Bright và Dark”. Mỗi tùy chọn sẽ mang lại một sự trải nghiệm khác nhau. Cụ thể, “Additive” sẽ chỉ đơn thuần xếp chồng các hình ảnh lại với nhau; và nếu nhiều hình ảnh có độ sáng cao được xếp chồng lên nhau liên tiếp sẽ cho ra kết quả cuối cùng quá sáng (overexposure). Trong khi đó, tùy chọn “Average” thích hợp cho trường hợp chụp (ít hoặc không di chuyển camera) nhiều lần một khung cảnh. Tùy chọn này cũng có khuynh hướng cho ra một kết quả có độ phơi sáng như nhau cho dù người dùng thiết lập phơi sáng khác nhau ở mỗi lần chụp. Riêng tùy chọn phơi sáng “Bright” thường được sử dụng khi cảnh chụp có phông nền gần như đen hoàn toàn. Ngược lại, có thể sử dụng tùy chọn “Dark” để máy tự động bỏ qua những vùng ảnh sáng khi xếp chồng các ảnh lại với nhau.
Tùy chọn phơi sáng Addictive có khuynh hướng giữ nguyên các giá trị phơi sáng của từng ảnh riêng lẻ. Ảnh: Canon. |
Một khi đã lựa chọn được tùy chọn phơi sáng ưng ý, việc tiếp theo cần làm là chọn số lần chụp cụ thể (từ 2 đến 9), sau đó nhấn nút "Set" để thiết lập thay đổi.
Trong ảnh chụp bên dưới, nhiếp ảnh gia Denise Ippolito sử dụng ống kính Canon 100 mm f/2.8 USM Macro, thiết lập chế độ Multiple Exposure là “ON function/control”, lựa chọn tùy chọn phơi sáng “Average”, tiêu cự f/5.6 và chụp hơi thiếu sáng một chút. Để giảm thiểu rung hình cũng như giúp tăng độ chính xác khi cần di chuyển máy, tốt hơn hết người dùng nên sử dụng chân máy.
Luôn chú ý theo dõi Histogram để ảnh chụp trông hơi tối một chút. Ảnh: Ephotozine. |
Trong lần chụp tiếp theo, cũng cùng một vị trí đặt máy ban đầu, tác giả chụp một tấm ảnh hoa out nét hoàn toàn nhằm tạo hiệu ứng mờ ảo khi xếp chồng nhiều ảnh lại với nhau.
Lần chụp cố ý làm out nét nhằm tạo hiệu ứng mờ ảo khi xếp chồng các ảnh với nhau. Ảnh: Ephotozine. |
Riêng 2 ảnh tiếp theo, tác giả đã di chuyển chậu hoa sang phải và trái một khoảng cách nhỏ so với vị trí ban đầu. Bạn cũng có thể di chuyển máy theo phương ngang trong trường hợp không thể di chuyển mẫu vật, nhưng hãy cố gắng đừng thay đổi góc chụp.
Di chuyển máy, hoặc mẫu chụp một khoảng cách nhỏ sang trái hoặc phải so với ảnh gốc. Ảnh: Ephotozine. |
Không chỉ riêng model EOS 5D Mark III, người dùng EOS-1D X cũng có thể chụp ảnh định dạng RAW và sử dụng những ảnh này làm ảnh đầu tiên cho loạt ảnh chụp ở chế độ Multiple Exposure. Để chọn một hình làm ảnh đầu tiên của loạt ảnh Multiple Exposure, bạn chọn mục “Select image for multiple exposure” từ menu “Multiple Expousre” của máy; sau đó tìm và chọn hình ưng ý để bắt đầu chụp những ảnh tiếp theo. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, số lần bấm máy thực tế sẽ bằng số lượng ảnh quy định trong menu Multiple Exposure trừ đi 1.
Kỹ thuật chụp Multiple Exposure nhìn chung không quá khó nếu bạn may mắn sở hữu một chiếc DSLR hỗ trợ tốt tính năng này. Tuy nhiên, với những mẫu DSLR không hỗ trợ nhiều tùy chọn phơi sáng tự động như 2 model của Canon, người dùng cần chú ý điều chỉnh phơi sáng thủ công thích hợp để kết quả cuối cùng không quá dư sáng, vì mức giảm sáng sẽ phụ thuộc vào số lần chụp. Cụ thể, nếu chụp 2 lần sẽ phải giảm -1 stop ở mỗi lần chụp, tiếp tục giảm -2 stop nếu số lần chụp bằng 4 và giảm -3 stop nếu số lần chụp bằng 8.
Quỳnh Lâm