Tự lắp ráp máy tính để bàn mini

Tự lắp ráp máy tính để bàn mini

Để lắp một máy tính để bàn mini, người dùng chú ý đến việc chọn vỏ máy (case), bo mạch chủ, phụ kiện kèm theo, các bước thực hiện lắp ráp. Với khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng, bạn sẽ có một cỗ máy đáp ứng được nhu cầu. 

Theo xu hướng nhỏ gọn và tiết kiệm điện nên máy tính để bàn sẽ không còn to lớn, cồng kềnh mà kích thước máy sẽ nhỏ dần và dao động từ 30 x 30 cm trở xuống. Thị trường đã bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp phân phối linh kiện giúp người dùng tự mình lắp ráp một chiếc máy vi tính nhỏ gọn mà hiệu năng vẫn không thua kém gì so với những máy tính to lớn trước đây. Theo quản lý của một công ty chuyên cung cấp linh kiện thì người dùng nếu muốn tự lắp ráp một máy tính nhỏ gọn cần lưu ý đến 4 yếu tố chính là: vỏ máy, bo mạch chủ, phụ kiện và các bước thực hiện lắp ráp.

mini-01-1362735939_500x0.jpg
Vỏ máy (case) đối với máy tính mini khá quan trọng, đây là yếu tố chính quyết định nên chất lượng sản phẩm khi tự lắp ráp, bởi tùy theo sở thích mỗi người mà tạo nên một sản phẩm khác nhau.

Cụ thể với vỏ máy, thường được gọi là case, trên thị trường hiện có rất nhiều thương hiệu để lựa chọn như: Silverstone, miniBox, Coolermaster… giá dao động từ 950 nghìn đồng cho đến 3 triệu đồng một bộ. Các loại vỏ máy thường được chia làm 2 loại: loại nhỏ gọn, tích hợp bo mạch cấp nguồn điện bên trong và loại dùng adapter riêng biệt. Loại thứ hai có kích thước lớn hơn một chút, sử dụng bộ nguồn điện chuyên dùng của máy vi tính (còn gọi là PSU), cắm nguồn điện trực tiếp.

mini-08-1362735941_500x0.jpg
2 loại case mini phổ biến trên thị trường với toàn thân làm bằng nhôm giá từ 920 ngàn đồng đến 2,4 triệu đồng (tích hợp bo mạch cấp nguồn điện)

Tùy theo nhu cầu mà lựa chọn, chẳng hạn người dùng thích tận dụng những linh kiện của máy tính cũ như bộ nguồn PSU thì chọn các case có kích thước lớn hơn. Còn nếu thích nhỏ gọn, tiết kiệm tối đa thì chọn các case chuyên biệt tích bộ mạch nguồn điện. Khác biệt lớn giữa hai loại là càng lớn thì không gian lắp ráp càng thoải mái, dễ nâng cấp thêm các linh kiện như card đồ họa rời, hoặc gắn nhiều ổ cứng… Còn loại càng nhỏ thì tích hợp bộ mạch điện riêng nên độ ổn định và mức tiết kiệm điện tốt hơn.

Bên cạnh đó cũng có một số mẫu đặc trưng dùng bộ nguồn PSU chuyên biệt do chính nhà sản xuất thiết kế. Chẳng hạn như mẫu SilverStone Fortress FT03 Mini có kiểu dáng giống “thùng rác” nhưng thiết kế đẹp, nhỏ gọn, ít chiếm diện tích và hiệu năng không thua kém gì so với một máy tính chuyên nghiệp.

mini-10-1362735942_500x0.jpg
SilverStone Fortress FT03 Mini có thiết kế như một "thùng rác" nhưng là sản phẩm tạo nên sự khác biệt cho một bộ máy tính để bàn bởi thiết kế trong và ngoài rất đặc trưng, giá khoảng 2,8 triệu đồng một vỏ máy.

Các loại vỏ máy tính này đa số đều được làm bằng hợp kim nhôm, kết hợp với khung thép nên có độ bền rất cao nếu so với những loại vỏ máy tính giá rẻ có chất liệu thép mỏng, dễ bị móp méo khi dùng lực tác động. Do vậy một bộ vỏ máy tính này sẽ có giá cao cấp 2 đến 3 lần so với vỏ máy thông thường. Nhưng nếu xét về kiểu dáng thiết kế thì chất liệu nhôm sẽ mang lại một sản phẩm độc đáo, trở thành vật trang trí trong một ngôi nhà hiện đại.

Với bo mạch chủ và phụ kiện kèm theo thì người dùng chỉ cần lưu ý các loại bo mạch chủ có ký hiệu chuẩn Mini-ITX, kích thước dao động từ 15 đến 17 cm là có thể lắp đặt phù hợp cho các máy tính nhỏ gọn. Trên thị trường các hãng sản xuất nổi tiếng như Zotac, Gigabyte, Asus… đều có sản phẩm với mức giá dao động từ 2,4 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng, và chia làm 2 loại dùng cho bộ xử lý Intel hoặc AMD. Cụ thể bo mạch chủ Zotac H77 Mini-ATX với giá khoảng 2,5 triệu đồng có kích thước nhỏ gọn, hỗ trợ bộ xử lý Intel thế hệ 3 như Core i3 hoặc i5 đều vận hành tốt, có 2 khe cắm RAM hỗ trợ tối đa 16 GB, khe cắm đồ họa rời và tích hợp kết nối Wi-Fi chuẩn N với 2 ăng-ten rời kèm theo…

mini-02-1362735942_500x0.jpg
Máy tính để bàn tự lắp ráp có hiệu năng và kết nối tốt hơn nhiều so với các loại laptop tầm trung trên thị trường.

mini-03-1362735942_500x0.jpg

Với những loại bo mạch chủ nhỏ gọn này thì hiệu năng không thua kém gì so với những loại máy tính thông thường bởi sản phẩm được thiết kế theo đúng chuẩn của máy tính để bàn, cho phép dùng bộ xử lý Intel hoặc AMD chuyên dụng cho máy tính, hỗ trợ nhiều kết nối cao cấp như Wi-Fi, Bluetooth, HDMI... nên hiệu năng cao hơn so với các loại laptop thông thường. Nếu người dùng thích hiệu năng cao, hoạt động ổn định thì có thể chọn nền tảng bo mạch chủ của Intel, còn nếu thích chuyên về giải trí cao cấp như xem phim Full HD hoặc chơi game 3D thì nên chọn nền tảng của AMD thì nhỉnh hơn khoảng 15% hiệu năng.

Giá cả của cả hệ thống gồm bo mạch chủ, bộ xử lý, RAM và ổ cứng gắn trên máy tính nhỏ gọn giữa Intel và AMD chênh lệch trong mức từ 500 ngàn cho đến 1 triệu đồng, và người dùng chỉ cần đầu tư từ 8 đến 10 triệu đồng là có thể lựa chọn được một bộ máy tính theo nhu cầu.

Ngoài ra, bộ máy tính nhỏ gọn thường thoát nhiệt không tốt so với máy tính thông thường nên cần có những phụ kiện hỗ trợ thêm như sử dụng các loại quạt chuyên dùng cao cấp cho bộ xử lý với cánh quạt to hơn, tản nhiệt bằng đồng nguyên khối… Nếu vẫn chưa hài lòng, người dùng có thể lắp thêm được từ 4 đến 5 quạt mini để hỗ trợ giúp việc lưu thông không khí bên trong máy tốt hơn, chi phí cho những bộ phụ kiện sẽ có mức từ 250 ngàn đồng cho đến 600 ngàn đồng.

mini-04-1362735943_500x0.jpg
Việc thay đổi và nâng cấp các phiến tản nhiệt từ nhôm sang đồng sẽ giúp máy tính mini giải quyết được vấn đề thoát nhiệt, giúp hệ thống chạy ổn định hơn.

Một điểm cần lưu ý khi người dùng tự lắp ráp máy tính nhỏ gọn là các bước thực hiện lắp ráp sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với máy tính thông thường. Nếu người dùng không thực hiện đúng theo trình tự các bước lắp ráp thì có thể tốn rất nhiều thời gian xoay sở hoặc làm chạm mạch điện, hư hỏng máy. Do vậy, người dùng phải thực hiện theo đúng các bước sau:

Bước 1: Đầu tiên nên gắn bộ xử lý vào bo mạch chủ nhưng không nên lắp quạt, phiến tản nhiệt và RAM vào vì có thể làm vướng víu cho việc lắp ráp những linh kiện kế tiếp.

Bước 2: Kế đến gắn bo mạch chủ vào đúng vị trí đã được định sẵn bên trong bộ vỏ máy tính.

Bước 3: Sau khi cố định bo mạch chủ thì gắn bộ nguồn vào, thực hiện bước gắn dây nối các công tắc điều khiển máy.

Bước 4: Gắn các loại cáp truyền dữ liệu và cáp nguồn cấp điện cho bo mạch chủ, lưu ý phải sắp xếp các dây cáp không được che các lỗ thoát khí nằm ở hai bên hông hoặc ở mặt lưng của máy. Đây là một công việc đòi hỏi tính thẩm mỹ và kiên nhẫn thì hệ thống máy tính mới có thể vận hành ổn định.

Bước 5: Sau khi đã gắn xong hết các loại cáp thì mới bắt đầu lắp quạt, phiến tản nhiệt và RAM vào bo mạch chủ.

Bước 6: Bước cuối mới là lắp các linh kiện còn lại như ổ cứng và card đồ họa vì nhà sản xuất đã tính toán các vị trí này nằm ngoài hoặc phía trên nên thuận tiện lắp ráp ở những bước cuối cùng.

mini-07-1362735943_500x0.jpg
Thao tác lắp ráp sẽ khó thực hiện hơn rất nhiều nếu so với máy tính thông thường bởi không gian xoay sở chật hẹp.

Nếu không thực hiện đúng theo các bước nêu trên, thì khi lắp ráp máy tính theo các bước truyền thống sẽ tốn rất nhiều thời gian bởi không gian bên trong khá nhỏ nên người dùng sẽ rất khó xoay xở, đặc biệt là RAM, quạt tản nhiệt hoặc ổ cứng có thể làm vướng víu cho việc lắp ráp.

Nhìn chung để tự lắp ráp một bộ máy tính nhỏ gọn sẽ khó khăn hơn so với máy tính thông thường, nhưng thành quả tạo nên có thể sẽ trở thành một "kiệt tác" trang trí đẹp mắt trong ngôi nhà. Đặc biệt là khi bạn muốn kết hợp máy tính với TV để trở thành một trung tâm thông tin, giải trí cho cả gia đình.

Anh Vũ

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều