Chọn tai nghe chụp tai
Tạp chí Cnet đã tổng hợp những đặc điểm thiết kế của 2 dạng tai nghe chụp tai on-ear và around-ear, nhằm mang đến cho người dùng những kiến thức cơ bản nhất để phân biệt và chọn lựa sản phẩm này.
Thiết kế ngoại hình dạng on-ear hay around-ear
Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu tai nghe dạng chụp tai, nhưng nhìn chung chỉ gồm 2 dạng kiểu thiết kế ngoại hình chính là tai nghe on-ear và around-ear. Tai nghe on-ear hay còn có tên gọi khác là supra-aural headphone - cơ bản cũng là dạng tai nghe chụp đầu với 2 củ tai tiếp xúc trực tiếp lên vành tai người dùng. Trong khi đó, tai nghe dạng chụp đầu kiểu around-ear headphone, còn được gọi là circumaural headphone, lại được trang bị 2 củ tai đường kính lớn với phần đệm mút củ tai ôm trọn vành tai người nghe.
Cả hai dạng tai nghe này đều có những đặc điểm thiết kế riêng cho từng mục đích sử dụng của người dùng. Chẳng hạn, tai nghe on-ear thường có kích thước 2 củ tai nhỏ nên phù hợp hơn với nhu cầu di động. Củ tai của những mẫu tai nghe on-ear thường được trang bị đệm mút khá dày nhằm mang lại thoải mái một khi người nghe đặt củ tai tiếp xúc trực tiếp lên vành tai. Trên một số bộ on-ear hiện nay, phần đệm mút ở mỗi củ tai có thể còn được bọc da nhân tạo. Chi tiết thiết kế này tuy giúp cho sản phẩm trông sang trọng và loại bỏ tạp âm thụ động hiệu quả hơn, nhưng cũng gây bất tiện đáng kể khi sử dụng liên tục. Với dạng này, người dùng nên lựa chọn những mẫu được hãng thiết kế khớp xoay trên vòm chụp đầu, nhằm giảm đáng kể lực tác động từ củ tai lên vành tai mỗi khi nghe.
Hoàn toàn khác biệt với những mẫu tai nghe on-ear, tai nghe around-ear thường có củ tai lớn hơn nhiều và thường được trang bị những driver đường kính lớn như mẫu Sennheiser HD 700 với driver đường kính 40 mm hay mẫu V-Moda M100 sử dụng driver đường kính 50 mm. Do kích thước củ tai lớn, nên các nhà sản xuất tai nghe dạng này có nhiều “không gian” trong việc sắp đặt màng loa bên trong mỗi củ tai hơn – cụ thể như tăng/giảm khoảng cách từ màng loa đến tai người nghe, đặt màng loa theo một góc nghiêng; hay thậm chí trang bị thêm nhiều driver hơn vào bên trong mỗi củ tai nhằm mang đến những trải nghiệm âm thanh tốt hơn.
Bên cạnh những ưu điểm trên, tai nghe around-ear dĩ nhiên cũng có những nhược điểm như ngoại hình lớn, khó phục vụ nhu cầu di động, một số mẫu thiết kế dạng củ tai cách điệu như Razer Electra không hoàn toàn “vừa vặn” cho mọi cỡ tai người dùng.
Thiết kế dạng đóng (closed-back) hoặc mở (open-back)
Tương tự như những dòng tai nghe khác, cả 2 dạng tai nghe on-ear và around-ear đều được các hãng sản xuất theo kiểu thiết kế dạng đóng (closed-back) hay thiết kế mở (open-back). Cách cơ bản để phân biệt tai nghe chụp tai sử dụng kiểu thiết kế nào là quan sát mặt ngoài mỗi củ tai của sản phẩm. Những bộ tai nghe thiết kế dạng đóng thường có phần mặt ngoài 2 củ tai kín như mẫu Phiaton PS 500 hay Sennheiser HD 419. Trong khi đó, những mẫu sử dụng thiết kế mở thường không sử dụng vật liệu che kín toàn bộ mặt ngoài củ tai mà thay vào đó là những dạng lưới kim loại, lưới tổ ong hay các khe nhỏ như mẫu V-Moda M-100, Sennheiser HD 570s và Grado SR225i.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cách phân biệt này đôi khi cũng không hoàn toàn chính xác vì một số bộ tai nghe có thiết kế dạng closed-back vẫn sử dụng lưới kim loại để trang trí mặt ngoài củ tai như mẫu HD 439 của Sennheiser.
Mỗi dạng thiết kế này đều có ưu và nhược điểm riêng. Cụ thể, thiết kế đóng có ưu điểm là khả năng loại bỏ tạp âm thụ động từ môi trường bên ngoài khá mạnh mẽ do đệm mút củ tai tiếp xúc trực tiếp lên vành tai người dùng. Chất lượng nốt trầm của tai nghe thiết kế đóng cũng có phần tốt hơn so với tai nghe thiết kế mở có giá thành tương đương. Tuy nhiên, chính thiết kế “cô lập” âm thanh bên trong củ tai này lại khiến cho âm thanh thiếu đi sự trung thực cần có. Những bộ tai nghe sử dụng thiết kế đóng hơn nữa cũng mang lại cảm giác “nóng tai” nhanh hơn.
Bên cạnh đó, thiết kế đóng cũng mang lại cho người nghe cảm giác như âm thanh chỉ “gò bó” trong đầu và âm trường khá hạn chế. Một bộ tai nghe dạng thiết kế close-back sẽ chỉ được cho là tốt nếu có khả năng tái tạo âm trường không quá hẹp. Tuy vậy, khi so với những bộ tai nghe thiết kế mở có giá trị tương đương, độ rộng âm trường của tai nghe sử dụng thiết kế đóng, dĩ nhiên, vẫn không thể nào ngang bằng được.
Ví dụ với mẫu SR225i (thiết kế dạng open-back) của Grado, người nghe tuy vẫn có thể nghe khá rõ những âm thanh từ môi trường xung quanh và lẽ đương nhiên, người xung quanh cũng có thể biết bạn đang nghe gì. Tiếng bass của bộ tai nghe này cũng không “nặng” bằng những mẫu tai nghe thiết kế đóng. Mặc dù vậy, Grado SR225i vẫn được đánh giá là một bộ tai nghe có một chất âm tuyệt vời, các dải âm cao trong trẻo, âm trung mượt mà và độ chi tiết tổng thể cao hơn bất kỳ một bộ tai nghe chụp tai thiết kế đóng nào khác trên thị trường.
Có thể nói, thiết kế dạng tai nghe open-back tuy có nhược điểm là không phù hợp với những môi trường ồn ào (do thiết kế mặt ngoài củ tai hở), tiếng bass không thể sâu và nặng bằng kiểu tai nghe close-back; nhưng nếu bạn cần một bộ tai nghe với chất âm tự nhiên, độ chi tiết âm thanh tốt và âm trường rộng rãi hơn thì dạng tai nghe open-back là một lựa chọn lý tưởng.
Tóm lại, với những môi trường náo nhiệt, một bộ tai nghe on-ear sử dụng thiết kế đóng sẽ là một lựa chọn thích hợp bởi khả năng loại bỏ tạp âm thụ động cao. Tuy vậy, nếu khả năng tài chính dư giả, bạn có thể tậu hẳn một bộ tai nghe around-ear dạng đóng với tính năng loại bỏ tạp âm chủ động (mạch xử lý tạp âm tích hợp). Nếu muốn thưởng thức âm thanh tự nhiên hơn, độ chi tiết cao và âm trường rộng hơn, bạn có thể chọn loại tai nghe on-ear hay around-ear sử dụng thiết kế mở (open-back design).
Quỳnh Lâm