Bảo mật vân tay
03/09/2013 05:54
Bảo mật thông tin luôn là một vấn đề hết sức quan trọng đối với những người thường xuyên sử dụng các thiết bị số.
Tuy nhiên, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện nay, phương pháp cơ bản như password dường như đã không còn đủ độ an toàn, chúng ta cần một hình thức tiến tiến hơn, đáng tin cậy hơn và bảo mật vân tay là một trong số đó.
Tại sao lại là vân tay?
Như chúng ta đã biết, mục tiêu của công nghệ bảo mật là hướng đến nhu cầu đảm bảo an toàn về mặt thông tin cũng như dữ liệu riêng tư cho mỗi cá nhân. Các phương pháp bảo vệ, vì vậy, cũng được xây dựng theo hướng đó. Nghĩa là, cách thức mở khóa phải được thiết kế sao cho mỗi người sẽ có một cách mở khóa khác nhau. Đó là lý do vì sao các đặc điểm sinh học trên cơ thể con người được chọn để làm cách mở khóa. Các kĩ sư muốn sử dụng sự khác biệt về cấu tạo sinh học của mỗi người để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, một số đặc tính như gương mặt, dáng đi, chữ kí,… lại có thể bị thay đổi theo thời gian hoặc dễ dàng bị làm giả trong khi dấu vân tay thì hoàn toàn là riêng biệt và duy nhất đối với mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về già. Trong 6 tỉ người trên thế giới, hầu như khó tìm thấy được dấu vân tay của ai giống ai. Đặc điểm của dấu vân tay dù chỉ gồm có 7 loại (vòng móc đơn, vòng móc kép, vòng tập trung ở giữa, vòng cung, vòng cung hình lều, vòng xoắn, vòng bất thường) nhưng thể hiện về chi tiết khác nhau muôn hình muôn vẻ. Hơn nữa, vân tay còn nằm ở một vị trí khá thuận tiện, dễ dàng để sử dụng trên cơ thể. Điều đó lý giải vì sao nhận dạng vân tay được lựa chọn làm phương thức bảo mật thay vì các phương pháp nhận dạng khác.
Bên cạnh đó, những chi tiết trên vân tay có thể được số hóa dễ dàng thông qua những thiết bị có giá thành không quá cao. Các dữ liệu về vân tay cũng tốn rất ít về mặt dung lượng lưu trữ. Đây là một yếu tố khá quan trọng để đưa nhận dạng vân tay thành một hình thức bảo mật phổ biến, nhất là trong các thiết bị cầm tay nhỏ gọn.
Lịch sử
Nhận dạng vân tay tưởng chừng như là một phát minh hiện đại nhưng thực ra nó đã ra đời từ cách đây rất lâu. Theo như những nhà khảo cổ học, người Babylon cổ xưa đã biết sử dụng những tấm thẻ vân tay bằng đất sét để thực hiện các giao dịch mua bán. Người Trung Quốc cũng đã biết ứng dụng vân tay từ rất lâu. Như chúng ta thường thấy trong các bộ phim truyền hình cổ trang, họ sử dụng vân tay để thay cho các con dấu hay chữ kí.
Tuy nhiên, các hình thức ấy chưa thể coi là một cách bảo mật thực thụ bởi nó còn quá thô sơ. Chỉ mãi đến khi kĩ thuật số ra đời ở thế kỉ 19, nhận dạng vân tay mới bắt đầu được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) chính là cơ quan đầu tiên ứng dụng công nghệ này. Họ đã thu thập 250 tỉ vân tay của công dân nhằm phục vụ cho quá trình điều tra tội phạm, nhất là trong việc nhận dạng con người mà không cần phải biết khuôn mặt, họ tên hay bất cứ một đặc tính nào khác trên cơ thể.
Ban đầu, việc nhận dạng vân tay phải thông qua những dấu tay được in bằng mực. Điều này có đôi chút bất tiện bởi muốn nhận dạng một dấu vân tay nào đó, chúng ta phải in nó lên một tờ giấy thì máy mới có thể quét được. Tuy nhiên, không lâu sau đó, khi mà công nghệ quét trực tiếp hay còn được biết với cái tên Live Scan ra đời, mọi thứ đã thay đổi, khi muốn nhận dạng dấu tay của một ai đó, chúng ta chỉ cần đưa trực tiếp ngón tay của người đó vào máy và nhận kết quả.
Về sau, khi mà nhận dạng vân tay đạt được sự ổn định và hiệu quả cao, nó bắt đầu “lấn sân” sang các lĩnh vực khác như kinh doanh, tài chính, y học,… Không dừng lại ở đó, các công nghệ nhận dạng vân tay ngày càng tiên tiến và tinh vi hơn nhờ vào sự phát triển phi thường của các loại mắt đọc mới.
Cách thức hoạt động
Nguyên lý hoạt động của việc nhận dạng vân tay tương đối đơn giản. Khi chúng ta đưa đầu ngón tay lên các thiết bị đọc, ngay lập tức mắt đọc sẽ quét toàn bộ phần ngón tay đó để số hóa thành một hình ảnh để đưa vào hệ thống. Tại đây, các thuật toán so sánh sẽ được sử dụng để phân tích mẫu vân tay vừa được đưa vào với những dữ liệu có trong hệ thống để từ đó trả về kết quả.
Có hai phương pháp nhận dạng. Cách thứ nhất là sao chép lại hình dạng vân tay thông qua các phương pháp khá thủ công như lăn tay hay chạm tay vào một vật nào đó rồi chuyển hình ảnh đến máy quét để ghi nhận và xử lý. Tuy nhiên, phương pháp này rất dễ bị giả mạo bởi vân tay người có thể hiện diện ở bất cứ nơi nào được chạm vào. Cách thứ hai tiên tiến hơn, các máy đọc sẽ "đọc" dòng điện dưới ngón tay thông qua hệ thống khuyếch đại xung điện, rồi chuyển thành vân tay. Cách này giúp giảm thiểu khả năng giả mạo vân tay, nhưng lại đòi hỏi trình độ công nghệ cao và chi phí sử dụng lớn hơn nhiều so với phương pháp cổ điển. Đây cũng chính là cách những thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, máy tính xách tay (laptop), ổ cứng USB sử dụng để làm cổng mã hoá bảo vệ dữ liệu.
Do phải lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cho quá trình so sánh nên tốc độ nhận dạng là một vấn đề rất được chú trọng. Nó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của hình ảnh đầu vào mà đầu đọc chính là thiết bị thực hiện. Ngoài ra, mức độ số hóa những dữ liệu cũng đóng góp một phần vào tốc độ xử lý, yếu tố này tỉ lệ thuận với mức độ tin cậy về mặt bảo mật. Nếu mỗi vân tay được số hóa đơn giản (chỉ nhận dạng thông qua các đường gợn và điểm rẽ nhánh), khả năng nhận diện chính xác sẽ thấp, đồng thời tốc độ xử lý sẽ nhanh hơn và ngược lại.
Với cách thức hoạt động như vậy, vân tay hoàn toàn có thể thay thế cho mật khẩu của mỗi cá nhân với độ bảo mật khá cao. Hơn nữa, nếu sử dụng vân tay, việc quên hay thất lạc mật khẩu sẽ không còn là vấn đề bởi chúng ta luôn mang chiếc chìa khóa là vân tay bên mình.
Hiện nay công nghệ nhận dạng vân tay đã không còn mới mẻ và được ứng dụng khá rộng rãi trong nhiều thiết bị như máy chấm công, khóa cửa, két sắt, laptop,… Đã có trên 100 quốc gia sử dụng hộ chiếu điện tử bằng công nghệ nhận dạng vân tay. Đây được xem là một phương pháp khá hiệu quả trong việc nhận dạng con người cũng như bảo mật thông tin. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay việc áp dụng công nghệ này còn gặp nhiều khó khăn, một số thiết bị đã được trang bị nhưng còn ít được sử dụng. Hi vọng trong tương lai không xa, chúng ta có thể sử dụng nó thay thế hoàn toàn cho kiểu password truyền thống.
ĐĂNG KHOA