10 lý do không nên dùng chế độ AF
Kể từ thời máy phim, việc ra đời hệ thống tự động lấy nét (AF) đã là một bước tiến vượt bậc trong công nghệ nhiếp ảnh. Ngày nay, hệ thống AF đã trở thành một chức năng đương nhiên không thể thiếu trên bất kỳ chiếc máy ảnh nào. Tuy nhiên, do là máy nên không phải bao giờ chế độ AF cũng hoạt động hoàn hảo cả. Nó có thể lấy nét sai chủ thể có thể không lấy được nét dẫn tới không cho người chụp chụp được ảnh. Vì thế, trong một số trường hợp, người chụp cần biết chuyển về chế độ chỉnh nét tay để khắc phục được những nhược điểm của hệ thống AF này.
Dưới đây là 10 trường hợp mà tạp chí chuyên nhiếp ảnh Digital Photography School cho rằng người dùng nên tắt chế độ AF và chuyển về chế độ lấy nét tay.
1. Khi ánh sáng không đủ.
Chụp đêm với thời gian phơi sáng 30 giây. |
Khi ánh sáng yếu, độ tương phản sẽ thấp, vì thế hệ thống lấy nét vốn dựa trên ánh sáng và độ tương phản sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định vùng nét. Mặc dù máy ảnh có thể có đèn hỗ trợ nét, nhưng với những trường hợp chụp đêm như ảnh trên với thời gian phơi sáng tới 30 giây thì rõ ràng cơ chế lấy nét tay sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều.
2. Khi không đủ tương phản.
Nếu chủ thể được chụp không đủ sắc độ tương phản mà chỉ có một tông màu, ví dụ chụp bức tường, hệ thống AF sẽ khó có thể lấy nét do không xác định được điểm nét dù cho ánh sáng vẫn đủ. Để khắc phục, người chụp có thể quay máy sang vùng có nhiều chi tiết hay tương phản tốt hơn, nhá lấy nét rồi quay về vùng cần chụp và căn khung lại. Tuy nhiên, có một cách đơn giản và hiệu quả hơn nhiều, đó là chuyển về chế độ lấy nét tay.
3. Chụp hoang dã.
Hầu hết động vật hoang dã có đôi tai rất thính, vì thế, dù máy ảnh của bạn có mô-tơ nét êm bao nhiêu, khi lấy nét nó cũng sẽ phát ra tiếng động và sẽ làm chúng chạy mất. Vì thế, để có được ảnh đẹp thể loại này, tốt nhất nên tắt chế độ AF và chuyển sang chỉnh tay.
4. Chụp phong cảnh.
Khi chụp phong cảnh, thông thường người chụp muốn khoảng nét lớn từ tiền cảnh tới hậu cảnh (hay vô cực). Để làm được, cần lấy nét vào điểm hyperfocal (điểm đảm bảo khoảng nét tối đa từ vùng tiền cảnh đến vô cực, có khoảng cách đến người chụp khác nhau tùy từng tiêu cự và độ mở). Nếu không quen tính toán và không quá cầu kỳ, bạn có thể áp dụng nguyên tắc lấy nét vào khoảng một phần ba khoảng cách từ tiền cảnh tới hậu cảnh để thuận tiện. Nhưng để đảm bảo máy luôn lấy nét vào điểm hyperfocal này, người chụp nên tắt AF và chuyển sang chỉnh tay, bởi nếu không, mỗi khi chụp một ảnh, máy lại lấy nét lại và rất có thể sẽ căn nét vào điểm khác.
5. Khi định chụp HDR.
Chụp và làm ảnh HDR cần nhiều kiểu ảnh của cùng một cảnh, cùng thông số, cùng độ nét, chỉ khác nhau giá trị phơi sáng. Để đảm bảo độ nét và đối tượng nét được ổn định, tốt nhất nên chuyển về chế độ chỉnh tay bởi nếu bật chế độ AF, có thể máy sẽ lấy lại nét vào điểm khác khi chụp các bức ảnh khác nhau.
6. Chụp hành động.
Khi chụp chuyển động nhanh, hệ thống AF sẽ chỉ tập trung bám nét vào đối tượng do khoảng cách bị thay đổi liên tục. Do đó, mặc dù cơ chế bám nét tương đối hiệu quả nhưng ảnh lại không tạo được ấn tượng gì đặc biệt. Như ảnh dưới đây chụp tại một cuộc đua xe mô hình điều khiển từ xa với chế độ lấy nét tự động và chụp liên tục cho kết quả như sau:
Tuy nhiên, khi tắt chế độ AF, chuyển sang chế độ lấy nét tay với khoảng nét được căn trước vào điểm mà các ôtô mô hình sẽ đi qua, các thông số tốc độ và độ mở được điều chỉnh hợp lý, kết quả thu được rất ấn tượng (ảnh dưới):
Kết quả khi chụp bằng chế độ lấy nét tay. |
7. Chụp qua kính.
Về cơ bản không bao giờ nên chụp ảnh qua kính, tuy nhiên, có những trường hợp bất khả kháng, như chụp từ cửa sổ máy bay hay chụp cá qua bể, thì lúc này cũng bạn nên tắt chế độ AF bởi nếu không rất có thể hệ thống AF sẽ lấy nét vào các bóng phản chiếu hay vào các điểm trên tấm kính thay vì vào đối tượng thật.
8. Chụp chân dung.
Nguyên tắc vàng của chụp ảnh chân dung là lấy nét vào mắt của đối tượng. Thông thường với ảnh chân dung, người chụp thường mở độ mở lớn để làm mờ hậu cảnh. Chế độ AF mặc dù tốt nhưng đôi lúc có thể lấy nét nhầm ở mũi hay lông mày do các điểm này quá gần nhau. Việc này dẫn đến đối tượng chính là đôi mắt lại không thực sự nằm trong điểm nét căng, chưa kể còn có thể mờ nếu độ sau trường ảnh quá hẹp (do độ mở ống kính lớn).
9. Chụp macro.
Chế độ AF cũng không thực sự hữu dụng với các ảnh macro bởi lẽ độ sâu trường ảnh ở thể loại ảnh này quá ngắn khiến cho hệ thống không biết lấy nét vào điểm nào. Với những thể loại này, tốt nhất nên chuyển sang chế độ chỉnh nét tay để người chụp có thể tự chủ hoàn toàn.
10. Căn khung với nguyên tắc “phần ba”.
Nhiều máy ảnh chỉ lấy nét được vào khoảng giữa khung hình, vì thế khi áp dụng nguyên tắc một phần ba, bạn không thể lấy nét đối tượng nằm ngoài khoảng giữa này được. Mặc dù có thể dùng biện pháp khắc phục là chuyển đối tượng về trung tâm, nhá nét rồi căn lại khung về phần ba, nhưng với những chuyển động như ảnh dưới, phương pháp này cũng không thể hiệu quả bằng việc chuyển sang chế độ chỉnh nét tay và chụp.
Căn khung với quy tắc một phần ba. |
Mặc dù chế độ lấy nét là một bước tiến vượt bậc nhưng không phải lúc nào cũng hữu hiệu. Biết tận dụng chuyển đổi khi nào nên để máy tự lấy nét, khi nào nên tự mình điều khiển nét sẽ giúp bạn có được những bức hình hoàn hảo.
Nguyễn Hà