Tản nhiệt chất lỏng

Tản nhiệt chất lỏng

Bộ tản nhiệt chất lỏng (liquid cooling system) là 1 trong những lựa chọn hàng đầu với những “tay chơi” yêu thích công nghệ hoặc ép xung phần cứng. Ưu điểm của tản nhiệt chất lỏng là khả năng chuyển tải nhiệt nhanh, giữ linh kiện phần cứng ở nhiệt độ thấp.

Nhiều bạn cần

 

Phần cứng máy tính thường “ngốn” điện và tỏa nhiệt tỷ lệ thuận với tốc độ hoạt động. Để tránh tình trạng quá nóng, dẫn đến hoạt động không ổn định thì các phần cứng thường đi kèm bộ tản nhiệt. Thường thì bộ tản nhiệt dùng quạt thông thường (air cooler) hoặc tản nhiệt chuẩn đi kèm phần cứng vẫn hoạt động hiệu quả trong đa số trường hợp. Tuy nhiên, nếu ép xung, để giữ phần cứng luôn ở nhiệt độ thấp, bạn cần trang bị tản nhiệt tốt hơn, hiệu quả hơn như tản nhiệt sử dụng công nghệ kết hợp giữa các ống dẫn nhiệt (heatpipe) và quạt làm mát truyền thống hoặc tốt nhất là bộ tản nhiệt chất lỏng. Bộ tản nhiệt chất lỏng (gọi tắt là LCS) khá đắt và cũng không dễ lắp đặt nhưng nếu bạn thực sự chú trọng đến việc giữ cho hệ thống mát và êm khi hoạt động thì giải pháp này đáng để xem xét.

Cấu tạo và nguyên tắc hoạt động

Về cơ bản thì LCS cấu thành từ các linh kiện gồm phần đế hấp thụ nhiệt (Cooling block), bộ phận xử lý nhiệt với quạt làm mát đi kèm (Radiator), bình chứa chất lỏng (Reservoir), máy bơm (Pumb). Các phụ kiện đi kèm là ống dẫn (Tubing) và dung dịch làm mát với thành phần là nước và các loại hóa chất nhằm tăng khả năng dẫn nhiệt (liquid). Nguyên tắc hoạt động của LCS khá đơn giản: phần đế hấp thụ nhiệt từ BXL và chuyển vào chất lỏng làm mát. Máy bơm sẽ đẩy chất lỏng mang theo lượng nhiệt này đến bộ phận xử lý nhiệt để làm mát trước khi lặp lại chu kỳ mới. Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về các thành phần của LCS trong bài viết tại pcworld.com.vn/A0512_130

Để tiện bạn đọc tham khảo, bài viết sẽ hướng dẫn cách lắp đặt LCS XSPC Rasa 450 (RS120) cho BXL Intel Core i7-990X Extreme Edition bên trong thùng máy Cooler Master 690. Rasa 450 (RS120) có 3 phần chính là phần đế hấp thu nhiệt, bộ phận xử lý nhiệt với quạt làm mát 120mm và bình chứa chất lỏng tích hợp máy bơm. Bộ tản nhiệt này thiết kế tương thích với BXL AMD socket AM2/AM2+/AM3, BXL Intel socket 775/1156/1155LGA. Tại Việt Nam, Rasa 450 (RS120) có giá khoảng 3,9 triệu đồng.

Lưu ý

Kích thước và thiết kế của thùng máy sẽ ảnh hưởng đến việc chọn lựa những thành phần khác cũng như vị trí lắp đặt của chúng. LCS chỉ thích hợp với thùng máy đứng cỡ trung (chuẩn mid-tower) hoặc tốt nhất là với thùng máy đứng cỡ lớn (chuẩn full-tower) nếu bạn muốn xây dựng một hệ thống tản nhiệt chất lỏng cho cả card đồ họa, RAM và chipset BMC. Thùng máy Cooler Master 690 sử dụng trong bài viết với không gian bên trong đủ rộng và thoáng để “nhét” gọn các thành phần của LCS.

Trước khi thực hiện, hãy phác thảo sơ đồ lắp đặt và vị trí các bộ phận của LCS. Để tránh chất lỏng nóng lên khi phải “đi cả 1 vòng” bên trong thùng máy trước khi đến phần đế hấp thụ nhiệt, bạn nên chọn cách lắp đặt như hình trên. Chất lỏng ra khỏi bộ phận xử lý nhiệt có nhiệt độ thấp nhất, giúp BXL tản nhiệt hiệu quả hơn.

Lắp đặt

Tắt máy, tháo cáp nguồn của BMC và tất cả thiết bị phần cứng.

Gỡ bỏ tản nhiệt BXL để lắp đặt phần đế hấp thụ nhiệt. Bạn nên làm sạch lớp keo tản nhiệt cũ trên bề mặt BXL và bôi lớp keo mới (đi kèm LCS).

Tháo quạt làm mát ở mặt sau thùng máy để gắn Radiator.

Với bình chứa chất lỏng tích hợp máy bơm, hãy cố định chúng ở khoang gắn ổ đĩa 5¼”.

Kế tiếp, bạn nên “ướm” thử trước khi cắt ống thành những đoạn phù hợp để kết nối giữa 3 bộ phận trên. Tham khảo tài liệu đi kèm để xác định đúng đầu vào và đầu ra của từng bộ phận, bảo đảm gắn ống đúng cách. Siết chặt ốc để tránh rò rỉ chất lỏng khi hệ thống hoạt động.

Đổ chất lỏng vào bình chứa. Gắn cáp nguồn cho LCS, kích hoạt trực tiếp bộ nguồn bằng cách nối mạch giữa 2 chân xanh và đen của đường nguồn ATX. Máy bơm sẽ đẩy chất lỏng đến các bộ phận đến khi hoàn tất vòng lặp. Bạn cần tiếp tục đổ đầy chất lỏng vào bình chứa cho đến ngưỡng an toàn.

Sau khi lắp đặt hoàn tất, đừng khởi động máy tính mà hãy chạy thử trong thời gian khoảng 24 tiếng để phát hiện những chỗ rò rỉ chất lỏng. Đây là bước quan trọng nhất để tránh những sự cố về sau.

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều