Triết lý thiết kế mới của Apple: Bắt đầu từ giao diện đơn giản ở iOS 7

Triết lý thiết kế mới của Apple: Bắt đầu từ giao diện đơn giản ở iOS 7

05/08/2013 17:49

Ngày 10/6/2013, tại hội thảo WWDC (Worldwide Developer Conference) ở California, Apple đã giới thiệu hệ điều hành mới iOS 7 cho iPhone/iPad.

Kỳ vọng bấy lâu từ giới công nghệ và người dùng rõ ràng vẫn chưa được đáp ứng ở iOS 7, khi ngay lập tức đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau, xoay quanh chủ đề... giao diện của iOS 7. Quan trọng hơn giao diện, "trái tim" của iOS 7 dường như vẫn chưa có nhiều đổi mới, thậm chí hãy còn cách xa cái đỉnh điểm "cuộc cách mạng" về một hệ điều hành đáng mơ ước trong nền công nghiệp di dộng.

Trong khi giới truyền thông công kích giao diện khác hẳn của iOS 7 so với các phiên bản trước, giới thiết kế công nghiệp lại khen. Vì sao?

Tại hội thảo WWDC 2013 của Apple dành cho những người phát triển ứng dụng, giám đốc điều hành Tim Cook nhấn mạnh hệ điều hành iOS 7 là"thay đổi lớn nhất của iOS kể từ khi có iPhone". Quả thực, iOS 7 dùng màu sắc đơn giản, tạo rất ít chi tiết trên màn hình. Nhờ hiệu ứng thị sai (parallax effect), khi nghiêng ngó màn hình iOS 7, người dùng có "cảm giác 3D": các biểu tượng như nằm trước hình nền. Tuy nhiên, diện mạo của từng biểu tượng cố ý tạo "cảm giác 2D": đường nét đơn giản như... biển báo giao thông. iOS 7 chuyển qua phong cách "dẹp" giống như giao diệnModern của Windows Phone.

Không "cực đoan" như Windows Phone (chỉ dùng màu nền trơn cho mỗi biểu tượng), iOS 7 không từ chối những dải màu bóng bẩy. Nhưng có một điều chắc chắn: iOS 7 và những phiên bản tiếp theo sẽ đoạn tuyệt với sự thể hiện chất liệu kim loại, da thuộc, gỗ, nỉ, giấy,... những thứ mô phỏng đã tạo nên phong cách đặc thù của Apple trong hệ điều hành iOS 6 và các phiên bản trước đó. Jon Ive - nhà thiết kế công nghiệp lừng danh của Apple - tỏ rõ quyết tâm áp dụng triết lý thiết kế của mình, vốn rất thành công đối với phần cứng, vào giao diện của phần mềm.

Ive giải thích:"Sự đơn giản có vẻ đẹp sâu sắc và bền vững. Vẻ đẹp ấy thể hiện ở sự trong sáng, ở tính hiệu quả. Sự đơn giản thực sự ở tầm cao hơn sự giản lược. Loại bỏ nhiều chi tiết rườm rà, loại bỏ nhiều họa tiết trang trí chưa hẳn là đơn giản. Tạo ra sự đơn giản, nghĩa là mang đến trật tự cho sự phức tạp". Có thể thấy ở Ive ảnh hưởng sâu đậm của trường phái thiết kế Bauhaus (Đức) từ trăm năm trước, thể hiện qua hai nguyên tắc quan trọng nhất mà dường như mọi người đều dễ dàng đồng ý:Thứ nhất - Kiểu dáng phải phù hợp với chức năng,thứ hai- Chất liệu phải thể hiện công năng đặc thù (chỉ có ở chất liệu đó).

Các nguyên tắc Bauhaus không dung nạp sự mô phỏng chất liệu trong giao diện cũ của iOS. Sự mô phỏng chất liệu, mô phỏng cả thực tại, từng là phong cách thiết kế giao diện phần mềm được Steve Jobs - người sáng lập Apple - ủng hộ nhiệt thành.Theo triết lý thiết kế cũ của Apple, sự mô phỏng thực tại thể hiện khắp nơi. Giao diện iBooks trông như những ngăn tủ trưng bày sách. Giao diện iCal trông như tấm lịch trong khung bọc da, có cả những đường chỉ thêu trang trí. Giao diện Game Center trông như một bàn bọc nỉ có viền gỗ sơn mài ở các sòng bạc,... Chưa kể vô số nút bấm hào nhoáng, như làm bằng kim loại, hoặc thủy tinh.

Hoạt động của phần mềm cũng hòa theo sự mô phỏng thực tại. Chẳng hạn, trong iOS 6, thao tác huỷ các loại thẻ điện tử được thể hiện bằng hình động, mô tả máy xé giấy dùng trong văn phòng.

Mô phỏng thực tại đã hiện diện trên máy tính từ lâu. Mặt bàn làm việc và các vật dụng văn phòng trên mặt bàn là nét đặc thù của giao diện Macintosh, được lặp lại trong Windows. Có lẽ mô phỏng thực tại phát triển đến mức cao nhất trên iOS. Với Scott Forstall - người từng lãnh đạo bộ phận phát triển iOS từ buổi đầu của iPhone (nay đã rời Apple), mô phỏng thực tại là nguồn cảm hứng bất tận. "Tâm đầu ý hợp" với Jobs, Forstall ưa chuộng giao diện bắt mắt, khiến người dùng muốn chạm, muốn nắm, muốn... liếm.

Nhà báo Austin Carr, tạp chí Fast Company, cho rằng sự mô phỏng thực tại trong giao diện phần mềm nay đã đến lúc... dừng. Người dùng hiện tại đã quá quen với thiết bị số, không cần dựa vào thực tại để có ý niệm về cách thức hoạt động của phần mềm.Giao diện giờ đây phải xuất phát từ chức năng thực, thể hiện hiệu quả chức năng thực, không thể tiếp tục dựa trên sự mô phỏng chẳng bao giờ toàn vẹn. iPhone/iPad nay không còn cần đến những thứ màu mè để hấp dẫn người tiêu dùng!

Carr dẫn lời nhận xét về triết lý thiết kế cũ của iOS từ một nhà thiết kế giấu tên đã rời khỏi Apple, từng làm việc gần gũi với Steve Jobs: "Đó là kiểu 'tự sướng' về thị giác. Đó là kiểu thiết kế khoe mẽ, muốn chứng tỏ khả năng thể hiện màu sắc của màn hình. Giờ đây ai còn quan tâm đến chuyện đó?".

Carr cũng dẫn lời một nhà thiết kế khác từng làm việc cho Apple:"Có bao nhiêu người dùng iPhone thực sự thấy máy xé giấy? Điều đó thực sự cần thiết, hay chỉ vì... trông hay hay? Đối với tôi, điều đó giống như tô son môi cho con heo!".

Nhà thiết kế Yves Béhar - người thiết kế vòng đeo tay thông minh Jawbone Up và máy tính OLPC đời đầu - nhận định:"Tôi luôn thấy khó chịu với giao diện theo đuổi sự mô phỏng thay vì được thiết kế theo chức năng thực. 'Giá sách gỗ' trên màn hình thực ra có tác dụng không giống giá sách thực. Họ ném vào người dùng những thứ rườm rà, xa lạ. Não của tôi từng quen với giá sách thực, cảm thấy lúng túng khi không thể dùng giá sách trên màn hình như tôi hình dung. Trông nó hay hay nhưng chẳng có lợi ích gì mấy".

Cũng như trường hợp Windows Phone, giới thiết kế công nghiệp có nhiều lời ngợi khen giao diện modern của iOS 7 và nhiều lời chỉ trích giao diện cũ. Những lời chỉ trích nặng nề lại xuất phát từ vài người từng làm việc cho Apple, cho thấy có bất đồng về triết lý thiết kế trong nội bộ Apple khi sự mô phỏng "được đẩy quá xa".

Nhưng liệu có khi nào hết bất đồng?

 

Phong cách thiết kế "dẹp" hay "nổi" vẫn cứ xoay vần trong lịch sử. Ý niệm về vẻ đẹp "đơn giản" không chỉ có một. Cái mới rồi sẽ thành cũ, nhàm chán và cái cũ lại trỗi dậy trong hình thái mới. Năm hoặc mười năm sau, phong cách của iOS 7, cũng như Windows Phone, sẽ không còn xứng đáng làmodern.


 

 

Hệ điều hành iOS 7 trên iPhone 5.
So sánh các biểu tượng dùng trong iOS 6 và iOS 7.

Phần mềm iBooks trên iPad là ví dụ tiêu biểu cho triết lý thiết kế mô phỏng.


NGỌC THẠCH

 

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều