Tìm hiểu tần số quét trên TV
Các loại TV trước kia đều hiển thị 60 hình ảnh mỗi giây (tương đương với tần số 60Hz), tuy nhiên, vài năm trước điều này đã thay đổi khi màn hình TV LCD bán ra đã có tần số quét gấp đôi, 120Hz. Và hiện giờ bạn có thể thấy các loại màn hình có tần số 240Hz hay cao hơn.
Các loại màn hình LCD đều gặp vấn đề với độ phân giải chuyển động. Có nghĩa là, khi có một vật thể chuyển động trên màn hình (hay toàn thể hình ảnh đang chuyển động), hình ảnh thường bị mờ so với khi vật thể hay toàn cảnh không chuyển động. Trong thời kỳ đầu của màn hình LCD, hiện tượng này chủ yếu là do “thời gian đáp ứng” (response time) chậm, hay tốc độ các điểm ảnh có thể thay đổi từ sáng sang tối. Thời gian đáp ứng của các loại màn hình LCD hiện nay đều khá tốt và không còn là vấn đề lớn nữa. Vấn đề là não bộ của bạn nhận thấy chuyển động như thế nào.
Trong hình ví dụ, phần trên là độ phân giải chuyển động đầy đủ, nửa dưới của hình cho thấy chuyển động bị mờ như thế nào. Bạn hãy để ý con cá heo ở phía phải bị mờ hơn 3 con còn lại và phần còn lại của hình.
So sánh giữa màn hình có độ phân giải chuyển động đầy đủ (nửa trên) và màn hình bị mờ (nửa dưới). |
Tuy nhiên, mọi người thấy độ phân giải chuyển động theo những cách hơi khác nhau. Có người không nhận ra hình ảnh bị mờ vì chuyển động, lại có người không quan tâm đến vấn đề này và có những người nhận ra điều này và rất quan tâm.
Có 2 cách "lừa" cho não bộ thấy được chi tiết tốt hơn với màn hình LCD: phương pháp chiếu ngược sáng hay quét ngược sáng (backlight flashing hay backlight scanning) và phương pháp chèn khung (frame insertion).
Cách cơ bản nhất của phương pháp chiếu ngược sáng là ánh sáng ngược bị tối lại giữa các khung video. Thời khắc chiếu tối rất giống với cách vận hành của máy chiếu phim ngày xưa: hiển thị hình ảnh rồi khoảng tối, hình ảnh rồi sau đó lại là khoảng tối... Nếu quá trình này thực hiện chậm có thể dẫn đến kết quả là hiện tượng nhấp nháy. Thực hiện đủ nhanh thì bạn không còn nhận ra khoảng tối nữa.
Một cách tiên tiến hơn là quét ngược sáng, làm mờ những phần của ánh sáng ngược nối tiếp với video. Trong cả 2 cách, hiệu ứng phụ là bị mất nguồn ánh sáng ra (đôi khi khá nhiều), vì có những lúc ánh sáng ngược bị mất hẳn.
Còn có một cách khác để thực hiện là chèn khung đen (black-frame insertion), cho thấy một hình ảnh đen giữa các khung thật, nhưng cách này không thật sự điều khiển được ánh sáng ngược.
Panasonic có phương pháp quét ngược sáng, giống như cách làm mờ cuộn dần của nguồn sáng viền bằng đèn LED để làm tối các dãy đèn LED nối tiếp. Quá trình này thực hiện rất nhanh. Ảnh: Panasonic. |
Với các loại màn hình tốc độ 120Hz và 240Hz, có một cách khác là chèn khung (frame insertion hay frame interpolation). Phương pháp này thực sự tạo ra những khung video hoàn toàn mới để chèn giữa các khung video thật. Với các nguồn video như chương trình TV, thể thao và video game, phương pháp này không có khuyết điểm. Bạn sẽ có được độ phân giải chuyển động tuyệt vời và duy trì được nguồn sáng ra của màn hình. Nhưng với nội dung hay phim 24 khung hình/giây (phim điện ảnh, hầu hết chương trình TV có kịch bản) thì lại gặp vấn đề với phương pháp chèn khung. Các khung được thêm vào nhằm giúp thể hiện chuyển động của nội dung 24 khung hình/giây mượt mà nhưng lại thường bị rung.
Về cơ bản, điều này có thể tốt nhưng chuyển động cực kỳ trơn tru có được làm cho phim xem giống như phim kịch nhiều kỳ trên truyền hình. Có thể gọi đây là hiệu ứng phim kịch (soap opera effect). Nhiều hãng truyền hình gọi đó là “hiệu ứng chống giật”.
Hình ảnh ví dụ của phương pháp chèn khung. |
Các khung video gốc 1 và 2 quay ở tốc độ 60 khung hình/giây không đủ để lấp đầy màn hình LCD 120Hz và 240Hz. Có một phương pháp làm đầy màn hình là nhân đôi khung hình gốc. Các khung hình có thể lần lượt được tăng độ phân giải để làm đầy khung hình. Trong ví dụ trên, bộ xử lý của TV tạo khung 1a từ sai phân giữa 1 và 2. Sai phân này (cùng với 2a, 3a…) sẽ tạo thành sai phân giữa video TV 60Hz và 120Hz.
Nhiều người thấy video được chèn khung xem rất khó chịu, làm buồn nôn. Tuy nhiên, một số người không để ý đến hiện tượng này.
Hầu hết các loại TV 120/240Hz hiện nay đều dùng một hay cả 2 phiên bản của công nghệ này, và người dùng có thể hoàn toàn tùy ý lựa chọn dùng phiên bản nào. Trong vài trường hợp khác thường, như chế độ Cinema trong các màn hình LCD LED thuộc Series WT50 của Panasonic, bạn thường bị khóa không vào được chế độ chèn khung chuyển động. Nếu không dùng chế độ chèn khung chuyển động hay quét ngược sáng thì không có được độ phân giải chuyển động đầy đủ.
Có thể nói, bước chuyển từ màn hình tần số 60Hz lên 120Hz có thể nhận thấy rõ sự khác biệt và đáng được đầu tư thêm. Tuy nhiên, bước chuyển từ 120Hz lên 240Hz thì cần phải cải tiến hơn nữa.
Dù sao, tiếp thị vẫn là tiếp thị. Hiện giờ người mua vẫn "mù mờ" về tần số quét thật sự của các loại TV đời mới. Samsung, LG, Sony, Vizio và Sharp đã hoàn toàn hết thành thực về tần số quét của họ, thay vào đó, họ dùng các “mỹ từ” riêng để nói về độ phân giải chuyển động định trước gọi là “Clear Motion Rate”, “TruMotion”, “Motionflow XR”...
Trong các trường hợp, các hãng thường dùng phương pháp quét ngược sáng và xử lý thêm để ngụ ý rằng TV của họ có tần số quét cao hơn khả năng thực sự của TV. Do đó, tốc độ Clear Motion Rate 120 có thể là TV 60Hz dùng phương pháp quét ngược sáng, hay nó có thể là màn hình LCD 120Hz mà không có quét ngược sáng. Bảng đặc tả cho các loại TV hiếm khi liệt kê tần số quét màn hình thật sự.
Với việc tung ra thị trường nhiều loại màn hình 120Hz và 240Hz, nhiều người tiêu dùng cho rằng Plasma đã bị lạc hậu và trở nên thành kiến rằng Plasma là công nghệ cũ hơn. Tuy nhiên, thực tế, màn hình Plasma không bị mờ chuyển động như màn hình LCD nên không cần tần số quét cao hơn. Vấn đề là các hãng sản xuất TV Plasma cũng đều sản xuất màn hình LCD nên bạn sẽ không thấy hãng nào tiếp thị theo kiểu: “Hãy mua màn hình Plasma rẻ hơn của chúng tôi vì không bị mờ chuyển động (hay không bị đáp ứng ngoài trục kém, hay không có tỷ lệ tương phản thấp)”. Thay vào đó, cả 3 hãng sản xuất màn hình Plasma LG, Panasonic và Samsung đã chấp nhận dùng tốc độ “600Hz”.
Plasma tạo ánh sáng theo thời gian. Mỗi điểm ảnh trong màn hình Plasma chỉ có 2 trạng thái: mở hay tắt. Nếu vậy thì màn hình Plasma là thiết bị kỹ thuật số, khác với LCD vẫn chỉ là thiết bị tương tự. Và vì các điểm ảnh Plasma chỉ có 2 trạng thái, chúng tạo ra các mức độ sáng khác nhau bằng cách lóe sáng khá thường xuyên cho nên mới có khái niệm tốc độ 600Hz.
Giải thích ở mức độ cơ bản nhất thì Plasma chia mỗi khung video thành 10 vùng nhỏ (60Hz x 10 = 600Hz). Nếu điểm ảnh trắng sáng, nó sẽ lóe sáng một lần cho mỗi vùng nhỏ. Nếu điểm ảnh chỉ phải sáng cỡ 50% (50 đơn vị tín hiệu video composite IRE, hay xám vừa), nó lóe sáng cho một nửa các vùng nhỏ đó. Khi điểm ảnh phải tối, nó sẽ không lóe sáng.
Công nghệ xử lý ánh sáng kỹ thuật số DLP (digital light processing) cũng hoạt động theo nguyên tắc tương tự: mỗi gương sẽ bật (hướng về ống kính) hay tắt (hướng khỏi ống kính).
Do đó, khái niệm tốc độ “600Hz” chỉ dùng để tiếp thị, nhưng không phải là không có thật. Sự thật là màn hình Plasma không bị mờ chuyển động như màn hình LCD, nên chúng không cần đến tần số quét cao hơn.
Trong vài trường hợp, hình ảnh bị hiện tượng mờ chuyển động là do nguồn phát. Hiện tượng này thường thấy nhất trong phim quay trên phim nhựa. Chuyển động nhanh sẽ bị mờ trên phim nhựa vì nó có tốc độ khung hình thấp.
Hiện tượng mờ chuyển động thường thấy trong các pha cận ảnh và có ở mọi nội dung khác nhau. Khi khuôn mặt của diễn viên lấp đầy màn hình, có lúc diễn viên này không chuyển động thì bạn sẽ thấy mọi chi tiết của khuôn mặt. Nhưng khi hơi chuyển động, hình ảnh sẽ bị mờ.
Nếu bạn không thích xem hình ảnh bị mờ chuyển động, bạn nên chọn mua màn hình LCD có tần số quét cao nhất, hay dùng màn hình Plasma (hay OLED). Nhưng điều quan trọng, nguồn phát của bạn là 24 khung hình/giây hay 60 khung hình/giây, nên bạn không cần dùng cáp HDMI đặc biệt với TV 120Hz hay 240Hz.
Huy Thắng