Tiêu cự ống kính ảnh hưởng tới 'dung nhan' người mẫu
Các kiến thức nhiếp ảnh cơ bản luôn cho rằng tiêu cự hoàn hảo để chụp ảnh chân dung là từ 80 đến 135 mm (đã quy đổi sang định dạng máy film 35 mm) hoặc từ 150 đến 400 mm với các máy medium-format. Tuy nhiên, không phải người sử dụng máy ảnh nào cũng hiểu được rõ những tác động của tiêu cự ống kính, khoảng cách chụp đến chủ thể.
Ống kính góc rộng (có tiêu cự ngắn) cho một bức chân dung cảm giác gần gũi hơn nhưng lại biến dạng chủ thể quá lớn như mũi bị phóng to trong khi tai lại nhỏ hơn. Một số trường hợp thậm chí còn sử dụng ống mắt cá hoặc siêu rộng nhưng là để tạo các hiệu ứng hình ảnh thay vì một bức chân dung thông thường. Với các ống kính tiêu cự quá lớn, khuôn mặt mẫu khó tạo được các khối trên mặt cần thiết và tạo cảm giác hơi phẳng cho người xem. Ngoài ra, trong chụp ảnh chân dung, tiêu cự trong khoảng 80 đến 135 mm cũng giúp bokeh mờ ảo hơn so với kiểu chụp rộng.
Nhiều người đã thực hiện thử nghiệm để kiểm chứng những lý thuyết nói trên. Nhiếp ảnh gia Stephen Eastwood từng chụp 10 bức hình với tiêu cự từ 19 đến 350 mm để hiểu rõ sự khác biệt. Nhiếp ảnh gia Jay P. Morgan cũng làm thử nghiệm này với khoảng tiêu cự từ 20 đến 200 mm. Thậm chí một người dùng trên Reddit còn đưa ra ví dụ dễ hiểu hơn khi chụp cùng một chú mèo ở các khoảng tiêu cự khác nhau.
Mặt người mẫu trên ảnh biến dạng dần tùy từng tiêu cự. |
Các tiêu cự khác nhau giúp mặt mẫu dài ngắn và nhỏ to khác nhau. |
Ví dụ đơn giản khi chụp một chú mèo ở các tiêu cự khác nhau. Từ trái qua là tiêu cự ngày càng lớn dần. |
Hoài Anh