Snapchat - Giá trị của phù du

Snapchat - Giá trị của phù du

14/07/2013 10:57

Trong khi Internet đang trở thành "ký ức xã hội" phi thường, lưu giữ vĩnh viễn từng giây của đời sống nhân loại, vẫn có một xu hướng ngược dòng, khẳng định bởi sự phổ biến của Snapchat và các dịch vụ tương tự.

 

Mitch Lasky - một thành viên của ban lãnh đạo công ty đầu tư mạo hiểm Benchmark Capital - kể rằng ông nghe nói đến Snapchat lần đầu từ con gái 16 tuổi của mình. "Tôi nghe nói đến Snapchat theo cách giống như tôi từng nghe nói lần đầu về Twitter, Instagram và Facebook. Điều này khiến tôi tò mò". Sự "tò mò" của Lasky đã dẫn đến việc đầu tư 13,5 triệu USD của Benchmark vào Snapchat, trong khi Snapchat chưa hề có doanh thu.

Sean Haufler - sinh viên Đại học Yale, rất thích dùng Snapchat - kể rằng khi lần đầu nghe cô em gái nói về phong trào Snapchat ở trường trung học, anh cho đó là chuyện vớ vẩn. Nhưng Haufler bỗng nhận ra điều thú vị của Snapchat, khác hẳn với cách mọi người dùng Facebook. "Ở Facebook, người ta cố gắng thể hiện bản thân theo cách tốt nhất. Mọi nội dung được tỉa tót cẩn thận".

Một phần đời sống thực bị loại khỏi Facebook, đang được dung nạp ở Snapchat. Trong tháng 2/2013, mỗi ngày có 60 triệu hình ảnh truyền đi bằng Snapchat, bằng 1/10 số lượng hình ảnh đưa lên Facebook.

Snapchat là phần mềm trên iOS và Android, cho phép người dùng chụp ảnh, vẽ trên ảnh, ghi chữ trên ảnh. Người dùng có thể hạn định thời gian xem ảnh (không quá 10 giây) trước khi gửi ảnh cho bạn bè. Người nhận phải giữ tay chạm vào màn hình mới xem được ảnh. Sau thời gian hạn định, ảnh biến mất trên điện thoại của người xem và bị xóa trên máy chủ của Snapchat. Snapchat là phương tiện để lan truyền những ảnh "xem một lần cho biết" và "cấm lưu giữ". Gần đây, Snapchat có thêm chức năng quay phim và chia sẻ đoạn phim với thời gian rất hạn chế như ảnh chụp.

 

 

Snapchat gợi nhớ đến "thông điệp tự hủy" của phim Mission Impossible(Sứ mạng bất khả thi), nhằm bảo đảm sự tối mật. Lứa tuổi thiếu niên ở trường trung học có vô số điều "tối mật" để cần đến Snapchat. Snapchat an toàn hơn những mẩu giấy chuyền tay nhau dưới gầm bàn.

Sau khi người dùng gửi ảnh, Snapchat cẩn thận thông báo cho người gửi những ai vừa xem ảnh. Nếu người xem ảnh "tối mật" cố tình chụp màn hình để lưu giữ ảnh nhận được trên điện thoại của mình, Snapchat sẽ báo động cho người gửi. Người nhận có hành động "mất uy tín" như vậy chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi của "hội kín".

Snapchat là phương tiện để người trẻ tự thể hiện và đùa vui tếu táo với bạn bè mà không sợ hệ lụy. Người chụp ảnh bởi Snapchat có thể lưu giữ ảnh chụp trên điện thoại của mình, nhưng ảnh Snapchat thường là loại ảnh để "xem qua rồi bỏ" ngay đối với người chụp.

 

 

Màn hình Snapchat (nút bấm lớn phía dưới để chụp ảnh, quay phim).

 

 

Evan Spiegel và Bobby Murphy - hai người sáng lập Snapchat - đã phát hiện một trong những ham muốn phù du của con người, khi đang là sinh viên năm cuối của Đại học Stanford. Ý tưởng Snapchat đến với Spiegel lúc đang tìm đề tài cho dự án "thiết kế sản phẩm", vào tháng 4/2011. Có lẽ Spiegel từng quan sát ai đó khổ sở vì không thể xóa bỏ trong không gian mạng những trò đùa tai tiếng thuở còn vụng dại. Hình ảnh không đẹp trong quá khứ, cùng số Like cay nghiệt, dễ dàng trở về "ám quẻ" bất cứ lúc nào nhờ hiệu quả "đáng ghét" của guồng máy tìm kiếm!

Khi Spiegel trình bày ý tưởng của mình trước lớp, các bạn đồng học đều đánh giá thấp tính ích lợi của Snapchat, trừ Murphy. Murphy tin lời Spiegel: "Có giá trị thực trong việc chia sẻ tạm thời những khoảnh khắc". Cả hai hợp tác xây dựng hoàn chỉnh dịch vụ Snapchat. Snapchat được phát hành chính thức ở iTunes vào tháng 9/2011.

 

 

Evan Spiegel (trái) và Bobby Murphy.

 

 

Dịch vụ "phù du" do Snapchat cung cấp thu hút mạnh mẽ lứa tuổi từ 13 đến 23 (Snapchat không chấp nhận người dùng chưa đến tuổi 13). Nếu không có các qũy đầu tư mạo hiểm, hạ tầng của Snapchat không sao kham nổi lượng người dùng gia tăng mạnh mẽ. Như là điều tất yếu, xuất hiện nhanh chóng các phần mềm tương tự Snapchat như Wickr, VidburnFacebook Poke.

Không chỉ đương đầu với các đối thủ cạnh tranh, hiện nay Snapchat bắt đầu gặp nhiều trở lực. Trước hết là thách thức về công nghệ. Trên iOS 6, Snapchat phát hiện người dùng chụp ảnh màn hình vì thao tác chụp ảnh màn hình khiến việc "chạm tay giữ ảnh" trở nên vô hiệu. Với iOS 7 tinh tế hơn, khi chụp ảnh màn hình, người dùng vẫn có thể liên tục dùng tay giữ ảnh Snapchat trên màn hình. Snapchat sẽ khó phát hiện thao tác chụp ảnh màn hình trên iOS 7. Người nhận ảnh Snapchat cũng có thể dùng phần mềm Snap Save để âm thầm lưu giữ ảnh Snapchat. Snapchat sẽ phải liên tục vượt qua mánh lới kỹ thuật của những người muốn vi phạm "luật chơi".

Về mặt xã hội, Snapchat hứng chịu ngày càng nhiều chỉ trích từ những bậc cha mẹ khi phát hiện con mình dùng Snapchat để chụp ảnh... khỏa thân. Snapchat phải biên soạn tài liệu hướng dẫn phụ huynh kiểm soát việc sử dụng Snapchat (Guide for Parents). Snapchat yêu cầu người dùng ở lứa tuổi từ 13 đến 17 phải có sự chấp thuận của cha mẹ. Dù sao, cũng như mọi dịch vụ mạng xã hội, đòi hỏi Snapchat ngăn chặn mọi nội dung thô tục là điều không thể.

Nhà bình luận Sarah Perez (trang tin TechCrunch, 17/6/2013), xem phong trào Snapchat là cuộc nổi loạn của thế hệ mới, thế hệ đã trải qua cuộc sống mở với Internet từ thuở thơ dại, đang khao khát cuộc sống riêng tư, khao khát sự vô danh, sự nhập vai và những bí mật điên khùng. Thế hệ đó không cần tìm người quen cũ ở Facebook, chưa mặn mà với việc phô bày hình ảnh tinh tươm ở Facebook, chưa ham muốn trở thànhhashtag person (người dễ được tìm thấy bởi guồng máy tìm kiếm). Thế hệ đó vẫn rất cần Facebook, nhưng muốn có thêm những góc tối trên Internet, nơi mà mọi chuyện nghịch phá có thể xóa bỏ, có thể lãng quên. Con ma dễ thương - biểu tượng của Snapchat - đang mỉm cười vẫy gọi trong góc tối đó.

 


NGỌC GIAO

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều