Mua smartphone trải nghiệm 'thực' hay giá trị thương hiệu 'ảo'
Chiếc smartphone đem lại nhiều tiện ích cho người dùng nhưng không phải ai cũng "hiểu" được cặn kẽ chiếc điện thoại của mình để biến nó thành một người trợ thủ đắc lực.
Cách đây vài năm, smatphone còn khá xa lạ với nhiều người. Thời điểm đó ít người có thể tưởng tượng chiếc điện thoại di động có thể làm được nhiều việc đến thế. Từ chơi game hành động phức tạp, check mail, xem và soạn văn bản đến lướt net truy cập mạng xã hội, nghe nhạc hay xem phim online "vù vù". Chưa kể đến những kho ứng dụng khổng lồ giúp người dùng tha hồ tùy biến chiếc điện thoại của mình theo nhiều sở thích, nhu cầu khác nhau. Ở góc độ nào đó, chiếc điện thoại di động dần thay thế được nhiều tiện ích trên laptop.
Smartphone ngày càng được người dùng ưa chuộng. |
Hiện nay smartphone đã dần phổ biến, thị trường smarphone thế giới và Việt Nam tăng trưởng chóng mặt. Những tính năng thông minh của nó đã dần thuyết phục được người dùng và phục vụ được nhiều nhu cầu sử dụng của họ. Nhưng không phải người dùng nào cũng cần những trải nghiệm thật sự của chiếc điện thoại thông minh này.
Michael Dror, một doanh nhân người Israel đang làm việc cho một công ty viễn thông tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của bản thân khi chứng kiến sự phổ biến của điện thoại "xịn" tại Việt Nam. Đến Việt Nam từ giữa năm 2010 để sống và làm việc, tuy nhiên, anh không khỏi bất ngờ với mức độ chịu chơi của người Việt trong việc mua sắm tiêu dùng nói chung và chi tiêu vào điện thoại nói riêng.
"Ở Việt Nam, bước ra đường thật dễ dàng để bắt gặp những bạn trẻ tay cầm điện thoại xịn như iPhone, Samsung giá hàng chục triệu đồng được trang trí bóng bẩy. Còn vào các quán café thì chuyện còn hài hước hơn. Các bạn không tâm sự với nhau mà mỗi người tay sẽ cầm một chiếc smartphone đẹp đẽ để chơi game hay làm việc riêng", Michael chia sẻ.
Anh cho biết, thu nhập trung bình của người Israel khoảng 2.500 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, họ cũng chỉ dám dùng điện thoại rẻ tiền cỡ 200 USD kèm theo hợp đồng với nhà mạng. Tính ra chi phí mua điện thoại rất rẻ. Bản thân anh hiện cũng đang sử dụng một chiếc smartphone mua từ khi đến Việt Nam với giá 4 triệu đồng.
Không phủ nhận một thực tế rằng nhiều người dùng smartphone tại Việt Nam thực sự có điều kiện về kinh tế. Việc mua một chiếc điện thoại đắt đỏ với họ là chuyện dễ dàng. Như anh M. Tâm, Giám đốc truyền thông một công ty đa quốc gia, cách đây 3 năm đã tậu ngay chiếc smartphone Samsung Omnia 2 đình đám nhất thời bấy giờ khi sản phẩm vừa xuất hiện với mức giá hơn 12 triệu đồng. Lý do chính chỉ bởi theo anh "đây là sản phẩm đỉnh nhất của Samsung và cần một sản phẩm có phong cách đẳng cấp như vậy".
Nhưng sau đó việc sử dụng chính của anh phần lớn là nghe gọi, thỉnh thoảng sử dụng tính năng chụp hình khi khảo sát thị trường, còn những trải nghiệm thông minh khác của Omnia2 như định vị GPS, bộ công cụ office, kết nối 3G, lướt net và mạng xã hội hầu như anh không bao giờ dùng tới. Rõ ràng, anh đã bỏ ra phần lớn tiền chỉ để mua "phong cách đẳng cấp" của sản phẩm.
Dù thu nhập thấp nhưng không ít người sẵn sàng trả nhiều tiền mua những chiếc smarphone đắt tiền chỉ để thể hiện đẳng cấp. |
Cũng có những người dùng smartphone thực sự say mê, thích tìm tòi công nghệ hoặc họ cần công nghệ để phục vụ cho công việc. Họ chấp nhận bỏ ra số tiền lớn mua smartphone có nhiều tính năng ưu việt và khai thác tốt những tính năng đó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thu nhập cao như anh Tâm hoặc thực sự có nhu cầu sử dụng những tính năng ưu việt của chiếc điện thoại. Ngọc Lan, nữ nhân viên kinh doanh có thâm niên dùng iPhone 4 từ những ngày đầu sản phẩm có mặt trên thị trường cho biết ngoài nhắn tin, gọi điện, chụp hình, truy cập Facebook cô gần như không đụng đến những tính năng khác do không biết hoặc không cần dùng đến.
Nhiều người đang bị cái mác "hàng hiệu" đè lên tâm trí trong việc lựa chọn mua sản phẩm. Có người bỏ hàng chục triệu đồng ra mua smartphone chỉ để lôi ra "nghịch" khi ngồi lê la cùng bạn bè trong quán xá có lẽ để thể hiện đẳng cấp, hoặc để cho "bằng bạn bằng bè". Số khác lựa chọn smartphone thương hiệu lớn "cho chắc" dù phải trả mức giá cao hơn rất nhiều trải nghiệm thực tế mà những chiếc điện thoại đó đem lại.
Nhưng nhiều tín đồ "hàng hiệu" chỉ là sinh viên, học sinh chưa có thu nhập hoặc nhân viên công sở với thu nhập 4-5 triệu đồng một tháng mà vẫn dùng iPhone, Samsung sành điệu. Với khoản thu nhập khiêm tốn như vậy, chắc hẳn họ phải "làm phiền" bố mẹ hoặc dành dụm vài tháng lương và hy sinh không ít nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.
Điều này gây nên những hậu quả "cười ra nước mắt" như con cái giận dỗi cha mẹ, bất đồng vợ chồng hay câu chuyện cô gái tên Feng người Trung Quốc đã nhảy lầu tự vẫn vì không được mua iPhone 4.
Người tiêu dùng "thông thái" khi lựa chọn smartphone luôn cân nhắc được gì và mất gì trước khi rút ví. Họ thật sự chú trọng vào giá trị công năng mà sản phẩm đó đem lại. Đó là những giá trị trải nghiệm thực tế của sản phẩm chứ không phải cái thương hiệu chỉ để trưng bày. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, việc cân nhắc lựa chọn nên mang tính thực tế. Đó mới một "người tiêu dùng thông minh".