Cập nhật firmware cho thiết bị số

Cập nhật firmware cho thiết bị số

Không chỉ máy tính cá nhân, nhiều thiết bị điện tử sẽ khắc phục được lỗi cũng như bổ sung tính năng mới chỉ sau vài bước cập nhật phần điều khiển (firmware).

Ngày nay, hầu hết thiết bị giải trí gia đình, thiết bị cầm tay, điện thoại và nhiều thiết bị số khác đều được tích hợp bộ vi xử lý, bộ nhớ và phần mềm. Giống các chương trình máy tính, firmware - ứng dụng hoạt động trên thiết bị của bạn - cũng cần được cập nhật định kỳ.

Nhiều thiết bị không được hoàn thiện 100% ngay khi bạn mua chúng: vài tính năng được hứa hẹn chưa hiện diện hoặc chưa hoàn thiện. Trong khi đó, một số thiết bị phần cứng cũ hơn cần cập nhật firmware để nhận được những tính năng mới. Kết quả là những nhà sản xuất luôn cố gắng tạo ra các bản cập nhật firmware mới cho thiết bị. Về cơ bản, bạn sẽ không có mọi tính năng mới tốt nhất thông qua các cập nhật tải về, nhưng một phiên bản firmware mới có thể làm thiết bị cũ kĩ của bạn chạy nhanh hơn và ít bị lỗi hơn.

Firmware là đoạn mã phần mềm lưu trong bộ nhớ “thường trực” (thường là bộ nhớ flash hay bộ nhớ chỉ đọc có khả năng lập trình và ghi lại nhiều lần) và được tích hợp vào thiết bị. Không giống những ứng dụng được tải lên RAM của máy tính, firmware không bị xóa khi hệ thống tắt nguồn. Firmware có nhiều dạng, có thể chứa phần mềm cơ bản vốn cần thiết để khởi động hệ thống, giống như BIOS của máy tính; Hoặc cũng có thể chứa toàn bộ hệ điều hành và ứng dụng như trường hợp điện thoại thông minh (smartphone).

Có nên cập nhật firmware?

Hình 1: Cập nhật BIOS cho bo mạch chủ Intel từ bút nhớ.

Nhiều nhà sản xuất máy tính cá nhân và bo mạch chủ khuyên người dùng không nên nâng cấp BIOS của hệ thống trừ khi gặp trục trặc hoặc khi người dùng cài đặt một BXL vốn không được hỗ trợ. Trái lại, đầu đĩa Bluray cần cập nhật thường xuyên bởi những tính năng mới trên đĩa có thể không chạy được trên firmware cũ. Tuy nhiên, trước khi cập nhật firmware cho thiết bị điện tử, bạn nên tham khảo các khuyến cáo của nhà sản xuất. Hãy ghi nhớ vài nguyên tắc sau: Đảm bảo nguồn điện tin cậy: Nếu tình trạng cúp điện đột xuất thường xuyên xảy ra thì bạn nên cắm thiết bị cần cập nhật firmware qua một bộ lưu điện (UPS) trước khi bắt tay vào việc.

Luôn cắm điện: Đừng bao giờ tin cậy vào nguồn pin khi cập nhật BIOS cho máy tính xách tay hoặc firmware cho điện thoại di động, tốt hơn hết bạn nên cắm thiết bị trực tiếp vào nguồn điện.

Tạo một bản sao firmware hiện tại: Không phải tất cả thiết bị đều cho phép làm điều này, nhưng nếu có thể thì bạn nên thực hiện. Nếu firmware mới có lỗi thì bạn còn có thể quay lại phiên bản firmware cũ.

Ghi lại những thay đổi: Vài cập nhật firmware sẽ reset các thông số của thiết bị về giá trị mặc định, vì vậy bạn cần ghi lại những giá trị cũ trước khi thực hiện tinh chỉnh. Bằng cách này, khi có trục trặc, bạn có thể khôi phục dễ dàng. Nếu thiết bị cho phép, bạn nên lưu các thông số vào một tập tin.

Cảnh báo trước khi cập nhật: Nếu bạn cập nhật firmware cho một thiết bị mạng, hãy chắc chắn rằng tất cả người dùng đều biết việc này để không xảy ra sự cố gì khi mạng tắt. Sau khi chuẩn bị xong các bước, bạn có thể bắt đầu cập nhật firmware mới cho thiết bị.

Máy tính cá nhân

Ngày nay, firmware máy tính thường có 2 dạng: BIOS truyền thống (Basic Input Output System – Hệ thống nhập xuất cơ bản), và mới hơn là EFI (Extensible Firmware Interface – Firmware có thể mở rộng). EFI có nhiều khả năng hơn BIOS thông thường. Trên các máy tính Windows, hầu hết vẫn còn dùng BIOS, trong khi những máy chủ thường dùng EFI. Hiện tại, máy tính của Apple cũng dùng EFI, mặc dù một số phiên bản Mac dựa trên nền Intel trước đây dùng firmware dạng SMC (System Management Controller – hệ thống quản lý điều khiển).

Hầu hết máy tính hiện nay đều cho phép bạn cập nhật firmware thông qua màn hình cài đặt BIOS. Chép tập tin cập nhật BIOS vào một bút nhớ và cắm bút nhớ vào máy mà bạn muốn cập nhật. Khi khởi động, nhấn phím để vào ứng dụng cập nhật BIOS: nhấn phím Delete - với vài máy là phím F2 hoặc F10.

Ngoài ra, hiện tại hầu hết dòng bo mạch chủ mới đều có ứng dụng cập nhật BIOS ngay trong môi trường Windows nên người dùng không rành về máy tính vẫn có thể cập nhật BIOS một cách dễ dàng chỉ với vài bước đơn giản. Một số dòng BMC còn có khả năng tự động dò firmware qua Internet và báo cho người dùng khi có phiên bản cập nhật mới.

Tuy nhiên, một số máy tính rất cũ có thể sẽ cần được cập nhật BIOS từ đĩa mềm. Bạn cần tạo một đĩa mềm có thể khởi động được (Trong giao diện format một đĩa cứng/đĩa mềm trong Windows, bạn đánh dấu chọn ô Create an MS-DOS startup disk). Tiếp đến, bạn chép các tập tin cập nhật BIOS đã tải về vào. Khi bạn khởi động từ đĩa mềm, việc cập nhật có thể sẽ tự động khởi chạy; Nếu không, bạn có thể phải gõ một lệnh đơn giản ở giao diện dòng lệnh - bạn nên tham khảo hướng dẫn của hãng trong tập tin (readme) trước khi cập nhật từ đĩa mềm.

Để cập nhật cho máy Mac, tải bản firmware mới và khởi chạy từ chương trình quản lý Finder, việc cập nhật sẽ diễn ra trong vài phút.

Bộ định tuyến và những thiết bị khác

Có thể kiểm tra firmware của bộ định tuyến qua Internet trên giao diện cấu hình thiết bị.

Những thiết bị ngoại vi khác của máy tính như ổ cứng, thiết bị lưu trữ mạng và màn hình cũng cần được cập nhật firmware. Do không có chỉ dẫn chung cho tất cả thiết bị nên bạn cần đọc tài liệu kèm theo của nhà sản xuất.

Bộ định tuyến Wi-Fi có lẽ là thiết bị dễ dàng cập nhật firmware nhất; Hầu hết đều tích hợp sẵn giao diện cập nhật. Trình đơn cập nhật có thể nằm riêng hoặc nằm trong mục Management hay Administrators, … Trước khi cập nhật, bạn cần sao lưu các cấu hình hiện tại thành một tập tin để sau khi cập nhật có thể thiết lập lại cấu hình một cách nhanh chóng (hầu hết bộ định tuyến đều có tính năng này). Đối với các thiết bị lưu trữ mạng, việc cập nhật cũng tương tự như bộ định tuyến.

Màn hình là thiết bị hiếm khi cần cập nhật và hầu hết màn hình cũng không cho phép làm việc này.

Về ổ cứng, nhất là với ổ cứng rắn (SSD), khi cập nhật firmware, bạn cần cẩn thận và có nhiều kỹ năng hơn. Trước khi thực hiện bất kỳ cập nhật nào đối với thiết bị lưu trữ, hãy sao lưu dữ liệu trước bởi một số ổ cứng SSD có thể sẽ làm mất hết dữ liệu trong quá trình cập nhật firmware. Việc cập nhật ổ cứng cũng không có điểm chung nào, vì vậy bạn hãy nghiên cứu kỹ tài liệu tham khảo. Ví dụ khi cập nhật ổ cứng rắn Intel X25-E, bạn sẽ cần tải tập tin ISO, ghi tập tin này ra đĩa CD và sau đó khởi động từ đĩa CD để cài đặt bản cập nhật firmware.

Thỉnh thoảng, một vài card mở rộng cũng yêu cầu cập nhật firmware. Với card đồ họa và card mạng, bạn phải cập nhật bằng giao diện dòng lệnh tuy nhiên có thể thực hiện ngay bên trong Windows (chọn Start.Run hoặc bấm tổ hợp phím Windows + R trên bàn phím, gõ cmd và nhấn Enter). Cuối cùng khi đã cập nhật xong, bạn cần khởi động lại thiết bị.

Thiết bị giải trí gia đình

Trong những thiết bị điện tử tiêu dùng, hai thiết bị cần nâng cấp firmware thường xuyên là đầu đĩa Bluray và HDTV; một số loại thiết bị khác như đầu nhận tín hiệu âm thanh, hình ảnh (A/V Receiver) cũng có thể cần cập nhật.

Việc cập nhật các thiết bị điện tử tiêu dùng, đa số trường hợp đều rơi vào một trong ba cách sau:

Hình 3: Trang Blackberry Device Software hướng dẫn chi tiết việc cập nhật firmware cho điện thoại Blackberry.

Ghi tập tin ISO lên CD: Vài đầu đĩa Bluray không có khả năng kết nối mạng và cũng thiếu cổng USB. Để cập nhật chúng, người dùng phải ghi bản cập nhật đã tải ra một đĩa CD và sau đó cài đặt chúng thông qua trình đơn hoặc những nút điều khiển trên bộ điều khiển từ xa. Một số đầu DVD cách đây vài năm cũng cập nhật firmware theo kiểu này.

Firmware được chép vào bút nhớ: Phương pháp cập nhật này phổ biến nhất cho những trường hợp không có kết nối mạng hoặc mạng chập chờn. Một vài HDTV sử dụng cách cập nhật này.

Firmware tải từ Internet: Đây là phương pháp cập nhật firmware ngày càng phổ biến. Ví dụ, bạn có thể thiết lập đầu đĩa Bluray Panasonic DMP-BD85 tự động cập nhật firmware mới nếu bạn kết nối thiết bị này đến Internet; màn hình cập nhật được ẩn trong trình đơn Others chứ không nằm ở trình đơn Network.

Máy chơi game

Việc cập nhật firmware trên những thế hệ máy chơi game hiện tại cũng đơn giản. Ví dụ Xbox 360 luôn yêu cầu kết nối đến Internet để có thể chạy hết những dịch vụ, dù bạn có thể chỉ chơi một mình mà không cần kết nối. Khi máy dò ra bản cập nhật mới, một hộp thoại cảnh báo bạn sẽ "out mạng" nếu bạn không cài đặt firmware mới.

Smartphone

Việc cập nhật điện thoại di động có lẽ cũng sẽ sửa những lỗi về bảo mật, cải tiến tốc độ hoạt động và thêm những tính năng mới. Để cập nhật iPhone, cắm điện thoại vào máy Mac hoặc PC có chương trình iTunes. Khi bản cập nhật sẵn sàng, nhấn Yes khi được hỏi nếu bạn muốn cập nhật.

Đối với Windows Mobile, bắt đầu đồng bộ (thông qua kết nối USB) để sao lưu danh bạ, lịch làm việc và những dữ liệu khác. Một vài dòng dùng ActiveSync để cập nhật, số khác dựa vào một ứng dụng riêng. Hãy đọc và làm theo tất cả chỉ dẫn một cách cẩn thận.

Cập nhật cho điện thoại Android có khá nhiều cách. Bạn có thể tải một cách thủ công và cập nhật firmware; Hãy tải phiên bản mới nhất và chép vào một thẻ SD hoặc thư mục lưu trữ của điện thoại thông qua giao tiếp/cáp USB. Tùy thuộc điện thoại, việc thực hiện cập nhật sẽ khác nhau, đôi lúc yêu cầu bấm vài tổ hợp phím.

Người dùng Blackberry khi cập nhật nên vào trang Blackberry Device Software của RIM (find.pcworld.com/70882) và làm theo những chỉ dẫn ở đó; người dùng Mac cần cài đặt thêm tiện ích Blackberry Desktop Software.

Thiết bị điện tử cầm tay khác

 
Hình 4: Đầu đĩa Blu-ray Panasonic DMP-BD85 ẩn trình đơn cập nhật firmware trong trình đơn Others.

Hầu hết thiết bị GPS đều miễn phí cập nhật trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó bạn phải trả phí cho mỗi lần cập nhật. Bạn có thể tải về một plug-in cho trình duyệt để kiểm tra xem liệu thiết bị có cần cập nhật không (thiết bị GPS phải được cắm vào máy tính thông qua USB), hay bạn điền vào số xê-ri của thiết bị lên trang web của hãng sản xuất. Nếu tồn tại một phiên bản cập nhật firmware, bạn có thể sẽ phải tải về một tập tin rất lớn chứa đồng thời ứng dụng Windows và bản đồ mới. Bạn kết nối thiết bị GPS với máy tính qua cổng USB, chạy ứng dụng và để chương trình cập nhật firmware.

Những máy chơi game như Nintendo DS hay Sony PSP được cập nhật một cách tự động qua mạng khi cần thiết (khi bạn sử dụng kết nối Wi-Fi). Bạn có thể cập nhật không dây hoàn toàn nhưng nhớ cắm điện cho thiết bị.

Thỉnh thoảng máy chụp hình cũng cần cập nhật firmware. Trong hầu hết trường hợp, bạn có thể tải về bản cập nhật mới, chép vào thẻ nhớ và sau đó gắn thẻ nhớ này vào máy ảnh. Sau đó, bạn chọn mục cập nhật bên trong trình đơn hoặc ấn một tổ hợp phím nào đó để cập nhật. Thông thường, bạn cần chép firmware ra ngoài thư mục gốc của thẻ nhớ chứ không nên lưu trong các thư mục con.

Để cập firmware cho máy nghe nhạc, như Apple iPod hoặc Microsoft Zune, kết nối thiết bị đến máy tính và chạy ứng dụng của hãng (iTunes hoặc Zune). Việc cập nhật diễn ra hầu hết là tự động; nhấn Yes nếu màn hình có yêu cầu xác nhận việc cập nhật.

Với nhiều máy nghe nhạc khác, bạn chép firmware đã tải vào thiết bị thông qua kết nối USB và việc cập nhật sẽ được thực hiện tự động.

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều