CÁCH SỬ DỤNG THUNDERBOLT TRÊN MAC

CÁCH SỬ DỤNG THUNDERBOLT TRÊN MAC

Cùng với sự ra đời của thế hệ Mac 2011, Apple đã chính thức đưa kết nối mới Thunderbolt vào thực tế. Mặc dù những khái niệm lý thuyết cơ bản của Thunderbolt hiện tại đã không còn quá mới lạ (một phần do cơ cấu công thức PCI-Express + Displayport), tuy vậy việc sử dụng giao tiếp này còn nhiều lạ lẫm với người dùng.

 

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp và các trục trặc mà bạn ít nhiều sẽ gặp phải khi đến với Thunderbolt.

 

1. Cáp chuẩn Thunderbolt hỗ trợ mức băng thông bao nhiêu?

Apple vừa ra mắt mẫu cáp chuẩn 2m dành cho kết nối Thunderbolt. Điều này không hề thừa bởi kết nối này sử dụng hai kênh dữ liệu kép 10Gbit/giây cho phép mỗi kênh có thể đọc và ghi ở mức tốc độ tối đa này cùng lúc. Việc sử dụng các loại dây cắm kém chất lượng có thể khiến việc truy cập bị hạn chế. Tuy nhiên người dùng cần phân biệt điều này với giới hạn tốc độ của chính thiết bị sử dụng. Điển hình là các ổ cứng lắp ngoài có thể chậm hơn nhiều so với khả năng của kết nối Thunderbolt. Để kiểm tra hiệu quả vận hành của thiết bị lưu trữ, bạn có thể sử dụng bảng theo dõi Disk Activity trong công cụ Activity Monitor của Mac OS X.

2. Làm thế nào để biết thiết bị Thunderbolt đã kết nối thành công?

Hai đầu dây cắm Thunderbolt chuẩn do Apple cung cấp đều có thể sử dụng mà không cần phân biệt chiều. Độ dài cáp này ở chuẩn 2m và được khuyến cáo không nên vượt quá mức 3m. Nếu cần kéo dài khoảng cách này, bạn nên sử dụng cổng mở rộng nối tiếp ở các thiết bị Thunderbolt (hầu hết đều có). Tuy nhiên cần lưu ý, việc sử dụng cáp Mini Displayport sẽ vẫn đảm bảo màn hình thông thường hiển thị, nhưng các thiết bị cắm chuỗi nối tiếp theo sau đó như ổ cứng lắp ngoài sẽ không có tín hiệu dữ liệu do cáp Mini Displayport không hỗ trợ kênh tín hiệu PCI-Express – vốn là một nửa của chuẩn Thunderbolt. Do đó bạn nên cắm màn hình vào điểm cuối cùng trong các chuỗi nối Thunderbolt.

Sau khi kết nối thiết bị, bạn nhấn vào biểu tượng táo, chọn About this Mac và chọn tiếp More Info > System Report. Trong mục Thunderbolt sẽ là thông tin về thiết bị đang được kết nối.

3. Màn hình đen khi cắm cáp Thunderbolt vào mẫu iMac có hỗ trợ Target Display Mode?

 

iMac mọi phiên bản đều cho phép bạn dùng chức năng Target Display Mode để vận hành như một màn hình LCD tiêu chuẩn thông thường. Mặc dù cáp Thunderbolt có thể cắm vừa khít vào các cổng Mini Displayport trên các máy tính Mac khác, nhưng chỉ cáp chuẩn Mini Displayport mới cho phép iMac sử dụng chức năng Target Display Mode. Với các mẫu iMac sản xuất cuối 2009, bạn phải cập nhật Firmware SMC 1.0 cho dòng 27” để tránh lỗi khe hệ thống “thức” trong khi đang ở chế độ Target Display Mode.

4. Máy Mac của bạn có hỗ trợ Thunderbolt nhưng lại không có tùy chọn này trong System Information và không nhận thiết bị cắm vào?

Nếu đã chắc chắn máy Mac hỗ trợ sẵn Thunderbolt từ phần cứng, bạn hãy mở phần mềm cập nhật (Software Update) để cập nhật tất cả các bản nâng cấp cho phép sử dụng thiết bị Thunderbolt trên Mac. Trong trường hợp đã hoàn tất tác vụ này nhưng vẫn không thể “nhìn” thấy thiết bị cắm vào, bạn hãy thử sử dụng cáp Thunderbolt khác. Ngoài ra, bạn cũng nên thử khởi động lại máy - đặc biệt khi đang chạy Windows 7 thông qua BootCamp.

5. Thunderbolt có tương thích với Windows trong BootCamp không?

Do Windows 7 chưa chính thức hỗ trợ Thunderbolt và thực tế các dòng máy tính Windows vẫn chưa có kết nối này nên việc sử dụng các thiết bị Thunderbolt trên nền Windows 7 (Bootcamp) ở Mac có một số điểm cần lưu ý.

Trước tiên, ngay từ khi khởi động, Windows 7 sẽ quét và kích hoạt các thiết bị cắm trực tiếp vào cổng Thunderbolt trên Mac. Do đó nếu thiết bị không được cắm vào máy từ giai đoạn này, Windows 7 sẽ không nhận ra. Tuy nhiên, với các thiết bị khác trong “chuỗi” Thunderbolt, việc tháo lắp trong quá trình vận hành hoàn toàn bình thường. 

Trong quá trình sử dụng, bạn không nên rút thiết bị cắm trực tiếp vào máy Mac mà hãy sử dụng dạng gián tiếp để tránh phải khởi động lại Windows 7 (chúng cũng sẽ ngắt kết nối nếu bạn thực hiện chức năng Hibernate). Bên cạnh đó, Apple cũng lưu ý hiện tại nếu bạn sử dụng thiết bị Thunderbolt trong Windows 7 trên máy Mac, tính năng Sleep sẽ bị vô hiệu hóa cũng với lý do như trên. Cuối cùng, chức năng Target Display Mode của iMac mới trên Thunderbolt cũng không dùng được trong Windows 7.

6. Cổng Thunderbolt có thể cấp điện tới mức công suất nào?

Về mặt lý thuyết, cổng Thunderbolt có công suất cấp điện nguồn 10 watt – đủ cao cho các ổ đĩa và thiết bị ngoại vi nói chung (dù vẫn chưa đủ cho màn hình ngoài cỡ lớn). Để tiện tham khảo, bạn có thể xem xét cổng Firewire 400 hay 800 của máy tính Apple chỉ cấp khoảng 7 watt trong khi USB 2.0 là 2,5 watt – thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 4,5 watt của USB 3.0.

Một số cổng USB 2.0 High Power có thể cấp khoảng 5,5 watt cho phép sạc được các thiết bị như iPad. Điều thú vị là chuẩn Thunderbolt cũng cho phép cấp nguồn hỗ trợ. Ví dụ, khi bạn có màn hình Thunderbolt của Apple, nó có thể bổ sung 10 watt nữa cho các thiết bị nối tiếp phía sau trong chuỗi kết nối.

Tags:

Nhận xét bài viết

Tin liên quan
Tin xem nhiều